Tháp Thầy Bói – điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên Đầm Thị Nại (Bình Định)

Đầm Thị Nại là đầm lớn thứ hai trong các đầm phá ở Việt Nam, với chiều dài khoảng 16km, chiều rộng ở nơi hẹp nhất khoảng 500m và nơi rộng nhất khoảng 5.000m, tổng diện tích mặt nước hơn 5.000ha, trải dài qua địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát.

Một góc xóm nhỏ Cồn Chim trên Đầm Thị Nại. Ảnh minh họa: Hồ Hữu Tấn

Thiên nhiên ban tặng cho Đầm Thị Nại vị trí tuyệt đẹp. Nước từ các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh đổ về đầm rồi từ đó đổ ra với biển qua một cửa hẹp gọi là cửa Giã, người dân thường gọi là cửa Thị Nại. Nơi đây có Cảng Quy Nhơn – một trong những thương cảng có vị trí đắc địa trong giao thông và vận chuyển hàng hóa của khu vực miền Trung – Tây nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cửa Giã được tạo ra trong thế “thủy khẩu giao nha” bởi Mũi Rùa bên bờ phía Tây và Gành Hổ thuộc dãy núi Phương Mai bờ phía Đông. Trong tiếng Việt cổ, giã là biển. Sau này ở một số vùng giã trở thành từ chỉ nghề đánh cá biển. Có lẽ trước đây cửa biển này là nơi thường xuyên ra vào của thuyền bè đánh cá nên mới có tên như vậy và từ lâu những sản phẩm của biển cả đã ngược theo sông Kôn lên đến tận miền thượng để đổi lấy sản phẩm. 

“Ai về cửa Giã chiều hôm,
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”

Nơi đây còn có nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng, hệ động thực vật đa dạng và phong phú: 25 loài thực vật, bao gồm rừng ngập mặn tái sinh và nguyên sinh như sú, vẹt, đước, bần, rong, cỏ biển…và 10 loài chim rừng, 76 loài cá, 23 loài chim di cư và chim nước, 64 loài phù du… cùng nhiều cảnh đẹp làm mê say lòng người như: Cồn Chim, cầu Thị Nại, bán đảo Phương Mai và một trong những điểm đến nổi bật là Tháp Thầy Bói – điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên Đầm Thị Nại.

Nằm ở giữa Đầm, gần bờ phía Tây, Tháp Thầy Bói có hình dáng như một ngọn núi nhỏ nổi lên giữa mênh mông sóng nướcNgoài là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bình Định thì nơi đây còn là chốn linh thiêng gắn với các câu chuyện truyền thuyết cổ của những người dân địa phương. Du khách thường đến đây để tham quan và thắp một nén nhang cầu nguyện cuộc sống bình an, công việc thuận lợi, may mắn.

Tương truyền rằng, ngày xưa ở vùng đất này có một ông thầy bói đến xây dựng tháp và hành nghề. Ông xem rất hay, người muốn được ông xem có thể xếp thành một hàng dài. Không lâu sau khi Ông mất, ngôi tháp bỏ hoang, qua thời gian bị bão đánh sập. Để tưởng nhớ ông thầy giỏi và thờ thủy thần, người dân nơi đây đã cùng nhau xây dựng lại ngôi miếu thờ chắc chắn và khang trang hơn. Cũng có tương truyền rằng: “Thầy Bói” là một giống chim, tên quen gọi là chim Bói Cá. Giống chim này thường tụ tập nơi gành đá, khóm đá để bắt mồi. Khóm đá có dáng tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói. Phía Bắc tháp Thầy Bói, tại bờ phía Tây cửa Thị Nại, có một bãi cát rộng là nơi tụ tập nghỉ ngơi sau khi no mồi, cánh mỏi của bầy chim Nhạn nên được gọi là Bãi Nhạn. Tất cả hòa quyện như một bức tranh thủy mặc làm say lòng du khách.

“Nước biếc dờn thu hồng thúy điểm,
Cát vàng trải nắng phấn ngân phơi”

                               Trích: Nước non Bình Định – Quách Tấn 

Giữa mênh mông sóng nước, Tháp Thầy Bói nổi lên như một nét chấm phá giữa Đầm Thị Nại, khiến cho những ai đặt chân nơi đây không khỏi cảm giác như lọt vào một ốc đảo giữa biển trời kỳ thú, đưa tay hòa vào dòng nước mát rượi, vị nước mặn mòi như xen lẫn trong từng hơi thở, bên dưới mặt nước cá tung tăng bơi lội, bên trên chim bay lượn đầy trời.

Mất 15 phút là du khách sẽ đến được Tháp Thầy Bói từ Cảng cá Quy Nhơn

Từ trung tâm Thành phố Quy Nhơn, bạn sẽ di chuyển đến cảng cá Quy Nhơn tầm 7 – 10 phút, từ đây, chỉ thêm tầm 10 phút đi thuyền là bạn đã đến tháp Thầy Bói. Đến đây, bạn có thể tận hưởng bầu không khí tĩnh lặng để thư giãn, ngắm cảnh ghe thuyền ngư dân đang thả lưới, cảnh đẹp của khu kinh tế Nhơn Hội, Cầu Thị Nại, phía xa xa là những cánh rừng ngập mặn xanh ngút mắt rợp cánh cò bay… Mỗi buổi ban mai, những tối trăng tròn sóng sánh giữa biển trời, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên.

Đầm Thị Nại là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử qua các triều đại từ Champa đến Đại Việt và đã có biết bao anh lính ở lại với cửa biển này. Trong lịch sử, đầm Thị Nại còn là căn cứ thuỷ quân của nhà Tây Sơn, nơi diễn ra những trận thuỷ chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh vào đầu thế kỷ XIX (năm 1801). Trước năm 1975, Đầm Thị Nại, khu vực Khu Đông là căn cứ địa vững chắc, là nơi xuất phát của lực lượng đặc công, đội trinh sát, của quân và dân ta để thực hiện các trận đánh vào nội thành Quy Nhơn. Với người dân sông nước nơi đây, mấy ngàn năm qua, biết bao người “sanh nghề, tử nghiệp”. Cũng bởi thế nên trên Tháp Thầy Bói, ngoài ngôi miếu cổ đã có từ lâu đời do ngư dân lập để thờ thủy thần và tế lễ vào dịp Thanh minh, thì Tháp Thầy Bói còn nhiều công trình tín ngưỡng khang trang khác được xây dựng nhằm đáp ứng đời sống tinh thần tâm linh của nhân dân địa phương.
 Ngày nay, Tháp Thầy Bói không chỉ là nơi linh thiêng của người dân bản địa, mà với du khách thập phương, nơi đây còn là điểm ngoạn cảnh, làm nên nét duyên riêng có giữa bốn bề sóng nước của đầm Thị Nại./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bình Định