Chiêm ngưỡng lát cắt thời gian trên dấu tích Kinh thành Huế

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Kinh thành Huế vẫn mang vẻ đẹp uy nghiêm, lưu giữ những tinh hoa của các triều đại nhà Nguyễn hàng trăm năm trước. Bởi thế khi đến Huế, không thể không một lần tới thăm khu vực Kinh thành xưa để cảm nhận những dấu vết vàng son một thủa. 

Ngọ Môn là một trong bốn cổng của Kinh Thành Huế và là cổng chính, nằm ở phía Nam, có vị trí nhìn ra sông Hương vô cùng thơ mộng, được xem như một kiệt tác, một kiến trúc đỉnh cao của Kinh Thành Huế. 

Kinh thành Huế được vua Gia Long cho bắt đầu xây dựng từ mùa hè năm 1804. Đến mãi năm 1833, vua Minh Mạng mới hoàn thành xong các hạng mục. 

Là nơi hội tụ vẻ đẹp về văn hóa, kiến trúc, Kinh thành Huế cũng là một trong các di tích nằm trong cụm Quần thể Di tích cố đô Huế, đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. 

Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành… kéo dài trong suốt 30 năm dưới hai triều vua. 

Đối diện Ngọ Môn là Điện Thái Hòa, nơi tổ chức các buổi triều quan trọng của triều đình như lễ Đăng Quang, sinh nhật hay những buổi đón tiếp các sứ thần nước ngoài.  

Điện Thái Hòa, nơi từng diễn ra các buổi triều quan trọng của triều đình vẫn giữ nét uy nghi vốn có. 

Dù thời gian bào mòn, nhiều kiến trúc vẫn hiện hữu cùng với những mảng tường rêu phong in đậm màu thời gian xưa cũ, gợi vẻ trầm mặc của kinh thành uy nghiêm.  

Dấu tích thời gian vẫn lưu lại trong từng khoảng không gian nơi đây. 

Nguồn: Báo Nhân Dân