Từ lâu, Vĩnh Long nổi tiếng là tỉnh đi đầu về du lịch sông nước miệt vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Loại hình này phát triển mạnh tại 4 xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú nằm trên Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ.
Để đến được 4 xã cù lao này, từ trung tâm thành phố Vĩnh Long – thành phố thơ mộng bên bờ sông Cổ Chiên, du khách đến công viên Sông Tiền qua phà An Bình để lên các xã cù lao. Theo con rạch Mương Lộ – Cái Muối đến Coco Home, ở ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh huyện Long Hồ, nơi du khách thường gọi là nhà dừa. Ấn tượng nhất là tất cả vật liệu sử dụng tại Coco Home đều từ dừa. Chủ nhân Coco Home là ông Dương Văn Thưởng đã ngoài 80 tuổi. Du khách ai cũng bất ngờ khi gia chủ cho biết ngôi nhà này cùng tất cả các căn homestay, nhà hàng, vật dụng gia đình… được làm từ hơn 4.000 cây dừa có tuổi 90-100 năm. Coco Home là nhà dừa kỷ lục, căn nhà độc nhất vô nhị ở miệt vườn sông nước miền Tây.
Căn nhà chính được xây dựng theo kiểu nhà xưa truyền thống, nhà 3 gian 2 chái, tất cả cột kèo, đòn tay, rui mè… đều bằng dừa, mái lợp ngói. Coco Home được khởi công xây dựng từ 2017 đến năm 2019 thì hoàn thành. Du khách đến Coco Home tham quan nhà dừa, vườn cây ăn trái, thưởng thức nhiều đặc sản sông Tiền như lẩu bần cá ngát, cá lăng, món ngon miệt đồng… hay bánh dân gian (bánh bò, bánh chuối, bánh bèo, bánh khoai mì). Du khách muốn ngủ qua đêm ở vườn cây ăn trái và cảm nhận về nhà dừa thì nơi đây có 6 căn homestay giữa vườn thoáng mát, thanh bình. Rất nhiều du khách thích thú check- in với xích đu dừa, nhà dừa…
Được thiên nhiên ưu đãi nên người dân ở Cù lao An Bình trồng rất nhiều loại cây ăn trái đặc sản và khai thác thế mạnh du lịch miệt vườn gắn với nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu là Khu du lịch sinh thái-trang trại Vinh Sang (ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ-Vĩnh Long). Nơi đây được ví như một khu vườn thiên nhiên rộng lớn với hệ thống kênh rạch liên thông nhau; là vùng đa dạng các loại cây ăn trái của miền Tây Nam bộ (dừa dâu, mít nghệ, mận An Phước, bưởi, nhãn, ổi). Đây còn khu bảo tồn nhiều loài chim, thú quý được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và là một khu vui chơi giải trí hấp dẫn với hàng loạt các trò chơi hiện đại và dân gian.
Còn điểm du lịch nhà vườn của bà Phạm Thị Lý (ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ) với 2,5 ha với đủ các loại cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái đặc sản đã hấp dẫn nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm. Lợi nhuận hàng năm thu được từ liên kết giữa làm vườn, sản xuất giống cây ăn trái và du lịch sinh thái khoảng 200 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thu Hồng, con gái bà Phạm Thị Lý cho biết: Vườn cây ăn trái của gia đình trồng trên 10 năm với nhiều loại trái cây đặc sản của xứ cù lao như chôm chôm Java, chôm chôm Thái, mận An Phước, mận Hồng Thái, mít Thái, ổi… Khách đến ăn miễn phí tại vườn và hái đem về thì sẽ tính tiền như giá mua ngoài chợ. Nhưng với loại hình du lịch sinh thái này, khách đến được trải nghiệm cách trồng và chăm cây. Năm nay, mặc dù cây trái rất sai quả, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách đến du lịch nhà vườn không nhiều, hy vọng dịch bệnh sớm qua nhanh để thu hút khách du lịch trở lại,”.
“Gia đình chủ yếu lấy công làm lời, chứ ít thuê mướn thêm người làm. Mô hình kinh doanh này tuy hơi vất vả nhưng không sợ trái cây ế khi vào mùa. Những khi trái cây chín nhiều, gia đình sẽ hái đem đi chợ bán, thu nhập cũng khá hơn so với làm vườn truyền thống”, chị Thu Hồng nói.
Du khách đến Cù lao Minh có thể thuê xe đạp, xe gắn máy, tàu thuyền trải nghiệm vòng quanh đường làng cù lao và kênh rạch dòng sông Cổ Chiên, hay thích hơn là cùng ngư dân trải nghiệm giăng lưới bắt cá cóc, giăng câu bắt cá ngát… Ðêm về, ngủ homestay bên dòng sông Cổ Chiên, du khách sẽ cảm nhận những điều thú vị của miệt vườn sông nước miền Tây.
Nguồn: baodantoc.vn