Thị trường lao động Trung Quốc đối mặt một số thách thức như dân số già đi, tỉ lệ sinh giảm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả.
Qin Jiahao đã làm việc tại bộ phận logistics của công ty thương mại điện tử JD.com được 6 năm. Giờ đây, một lượng lớn công việc của anh được tự động hóa. “Trước đây, hầu như mọi việc đều làm thủ công. Sau khi có tự động hóa, công việc của gần một nửa nhân công đều do máy thực hiện. Nó giảm được cường độ lao động”, Qin chia sẻ trên CNBC.
Trong quá khứ, Qin phụ trách thu gom, xếp hàng hóa lên kệ. Hiện nay, khi hàng hóa được tập kết tại đây, thiết bị tự động hóa sẽ đặt chúng ở một nơi chỉ định rồi xếp lên kệ. Khi dạo quanh khu vực logistics rộng 500.000m2 của JD.com tại Đông Quản, bạn có thể nhìn thấy các cỗ máy lớn đang hỗ trợ những việc như đóng gói, sắp xếp.
Chia sẻ của Qin phản ánh xu thế chung tại Trung Quốc: đẩy mạnh tự động hóa. Thị trường lao động tại quốc gia tỷ dân đối mặt với một số thách thức, bao gồm dân số già, lương nhân công tăng. Jonathan Woetzel, đối tác cao cấp của McKinsey, nhận xét người Trung Quốc có khả năng “già trước khi giàu”.
Theo Cục Thống kê quốc gia, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm hơn 5 triệu người trong thập kỷ qua do tỉ lệ sinh giảm. Nước này vẫn trải qua ảnh hưởng từ chính sách một con thi hành từ cuối những năm 1970 nhằm kiểm soát dân số tăng nhanh. Từ giữa những năm 1940 tới những năm 1980, dân số tăng gấp đôi, từ hơn 500 triệu lên hơn 1 tỷ. Trong 40 năm tiếp theo, tốc độ tăng dân số giảm còn 40%. Hiện tại, dân số Trung Quốc là 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động lại giảm. Tự động hóa được xem là một phương thuốc giải quyết các vấn đề nói trên.
Tự động hóa đang vượt ra khỏi những địa điểm như nhà kho, công xưởng. Trung Quốc thúc đẩy các công nghệ như xe tự lái, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thành phố Quảng Châu trở thành trung tâm thử nghiệm xe tự hành chính. Một startup có tên WeRide đang phát triển công nghệ cho xe hơi và xe buýt tự lái.
Xe tự hành có thể thay thế các công việc như tài xế taxi, theo CEO Tony Han của WeRide. Tại Trung Quốc, Mỹ và hầu hầu hết các nước phát triển khác, nhân lực ngày càng đắt đỏ. Mọi người muốn lương tốt hơn và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Ông muốn tìm ra một cách hiệu quả để cung cấp dịch vụ vận tải giá rẻ hơn cho tất cả mọi người.
Dù vậy, tự động hóa đồng nghĩa với nhiều người mất việc làm hơn. Từ năm 2018 tới 2030, có tới 220 triệu người, tương ứng 30% lực lượng lao động Trung Quốc, có thể phải thay đổi công việc, theo ước tính của McKinsey. “Đó chắc chắn là thách thức lớn với nhà tuyển dụng, người lao động và với cả chính phủ, xã hội”, chuyên gia Woetzel nhận định.
Theo CNBC