Những năm gần đây, hoạt động du lịch gắn với nông thôn đã và đang nhận được sự chú ý của nhiều du khách. Từ đó loại hình du lịch này được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm phong phú, đặc thù, độc đáo; sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch hấp dẫn, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ.
Vậy du lịch nông thôn là gì? Du lịch nông thôn mang lại những tác động tích cực gì?
1. Du lịch nông thôn là gì?
Du lịch nông thôn có thể được hiểu là loại hình du lịch mà du khách từ những nơi khác, chủ yếu là những người sống ở thành phố đến với một vùng nông thôn để nghỉ dưỡng, nghỉ ngơi hoặc trải nghiệm lối sống, ẩm thực, văn hóa của cộng đồng nông thôn đó, từ đó tạo ra những lợi ích về kinh tế và xã hội cho địa phương.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), du lịch nông thôn phải đảm bảo được các yếu tố: điểm đến là vùng nông thôn; các sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các đặc trưng của vùng nông thôn về tự nhiên, di sản, xã hội truyền thống, tập quán truyền thống; quy mô nhỏ; duy trì được tính truyền thống và kết nối với các gia đình địa phương; phát triển bền vững và duy trì được các tính nông thôn đặc trưng; có thể có nhiều hình thức du lịch khác nhau thể hiện sự phức tạp của môi trường, kinh tế và lịch sử vùng nông thôn đó.
2. Ý nghĩa của du lịch nông thôn
Làm tăng trải nghiệm thực tế cho du khách
Du lịch nông thôn đem lại những trải nghiệm văn hóa và tự nhiên mang tính “thực tế” và “chân thật” cho du khách, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các trải nghiệm thực tế thay vì các trải nghiệm được dàn dựng hoặc có tính công nghiệp.
Bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, di sản
Du lịch nông thôn là cách tốt nhất vừa làm du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hoá, sử dụng dịch vụ tại chỗ, phát triển văn hoá, tôn trọng văn hoá địa phương. Du lịch nông thôn được khai thác và phát triển đúng cách sẽ thúc đẩy ra đời những sáng kiến và đổi mới để gìn giữ và quảng bá đặc trưng, truyền thống của cộng đồng nông thôn,nhờ đó tạo nên nguồn doanh thu để trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tại địa phương.
Tạo cơ hội việc làm cho người dân ở nông thôn
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), có gần 1,8 tỷ người trong độ tuổi thanh niên sống ở các vùng nông thôn ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Vì vậy, thanh niên ở các cộng đồng nông thôn thường đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao gấp 3 lần so với người lớn. Chính vì điều này sẽ hình thành nên xu hướng di cư đến các thành phố để tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập và gây nên những bất lợi trong việc duy trì và bảo tồn các phong tục và di sản địa phương. Phát triển du lịch nông thôn có thể giúp tái xây dựng sinh kế của người dân địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự cân bằng và tính bền vững về tài chính và xã hội, góp phần hạn chế xu hướng di cư của thanh niên.
Nâng cao ý thức cho cộng đồng
Du lịch nông thôn giúp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái; nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hoá cộng đồng, chống các trào lưu du nhập của người dân tại nông thôn đó.
Góp phần vào phát triển du lịch bền vững
Bản chất của du lịch nông thôn là mô hình tương đối bền vững nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó thân thiện với môi trường cả về tự nhiên và xã hội. Vì thế, du lịch nông thôn không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành Du lịch mà còn đóng góp trực tiếp vào xu thế phát triển bền vững ở Việt Nam.
3. Nguyên tắc phát triển du lịch nông thôn
- Bảo đảm tính công bằng cho các chủ thể tham gia
- Đem lại lợi ích cho người dân địa phương và phát huy nội lực ở từng địa phương
- Bảo tồn, phát huy vốn di sản và bảo vệ môi trường
- Luôn đổi mới và tạo sự khác biệt; tăng cường mối liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để làm phong phú thêm sản phẩm
- Phát triền bền vững và duy trì được các tính nông thôn đặc trưng.
4. Các loại hình chính của du lịch nông thôn
4.1. Du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch.
Tham gia hình thức du lịch này, du khách sẽ được tham gia với người nông dân thu hoạch, gieo trồng và đồng thời chăm sóc cây trồng ở đồng ruộng, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các vườn trồng cây ăn trái, trang trại kết hợp nông lâm, trang trại động vật…, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.
4.2. Du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững. Du khách tham quan sẽ tìm hiểu về nét bản sắc văn hóa và xã hội của địa phương đồng thời quan tâm tới vấn đề môi trường tại đây.
Mô hình du lịch sinh thái thường diễn ra ở những nơi có hệ sinh thái động thực vật phong phú, có thể là những miền sông nước, những khu rừng với hệ sinh thái đa dạng… Bên cạnh đó ở các khu sinh thái này cũng cần phải có những hoạt động vui chơi giải trí để thu hút các du khách ghé tới tham quan và vui chơi.
Du lịch sinh thái cũng chia ra nhiều loại khác nhau, cụ thể là: Du lịch thiên nhiên; Du lịch dựa vào thiên nhiên; Du lịch môi trường; Du lịch nhạy cảm; Du lịch nhà tranh; Du lịch bền vững; Du lịch đặc thù; Du lịch xanh; Du lịch mạo hiểm; Du lịch bản xứ,…
4.3. Du lịch di sản
Du lịch di sản là loại hình du lịch gắn với giá trị của tài nguyên di sản, đề cao tính tiếp nối và tính truyền thống. Du lịch di sản ở vùng nông thôn có thể là các hoạt động như tham quan đền chùa, tượng đài, di tích liên quan đến lịch sử, chiến tranh, nghệ thuật hoặc địa điểm khảo cổ.
Qua con đường du lịch, các giá trị di sản được đưa đến với du khách bằng những cách thức khác nhau: Tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, giao lưu văn hóa… từ đó tăng cường sự đa dạng và hiểu biết lẫn nhau giữa các vùng miền.
Việt Nam với vùng nông thôn chiếm 66,9% dân số và gần 80% diện tích tự nhiên toàn quốc cùng với khí hậu, đất đai, địa hình đa dạng, vị trí địa lí thuận lợi, sự phong phú, độc đáo về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đã và đang phát triển tích cực loại hình du lịch nông thôn. Nếu bạn mong muốn có những trải nghiệm du lịch đặc biệt trong thời gian sắp tới, đừng ngại lựa chọn loại hình du lịch độc đáo này nhé.
Sưu tầm