Là một trong những con sông chảy vào vùng đất biên cương Tổ quốc, sông Quây Sơn hiền hòa uốn lượn qua các dãy núi đá vôi trập trùng của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ bao đời nay, dòng sông chứa đựng nhiều giá trị to lớn và gắn bó khăng khít với cuộc sống của người dân hai bên bờ.
Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc) với hai nhánh chảy vào Việt Nam hợp lưu nhau tại xã Ngọc Khê (Trùng Khánh). Từ Ngọc Khê, con sông uốn lượn chảy qua các xã: Đình Phong, Chí Viễn, Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh), qua huyện Hạ Lang rồi chảy về Trung Quốc. Chính bởi có dòng chảy khá dài nên khi đến Cao Bằng, sông Quây Sơn đã mang tới nhiều giá trị về thủy lợi, thủy điện, du lịch và bồi đắp phù sa cho vùng đất Trùng Khánh.
Từ nơi bắt đầu chảy vào Cao Bằng, đi đến đâu sông Quây Sơn đều tạo ra những khung cảnh đẹp tựa “xứ sở thần tiên”.
Dòng nước có màu xanh ngọc bích uốn lượn trải dài qua nhiều khu vực, có nơi ôm ấp lấy chân núi đá vôi sừng sững tạo thành khung cảnh sơn thủy hữu tình, chỗ lại nép mình dưới những khóm tre xanh mướt, có khúc lại như dải lụa mềm mại vắt qua cánh đồng lúa chín Phong Nặm, Ngọc Côn… Bên bờ sông có những bãi bồi với đàn trâu thong dong gặm cỏ, hay có khóm lau trắng phất phơ điểm thêm sắc hồng của vài bông hoa phù dung mọc dại… Tất cả tạo nên một khung cảnh nên thơ trữ tình làm say lòng biết bao du khách.
Không chỉ mang vẻ hiền hòa, phẳng lặng, sông Quây Sơn cũng mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực. Nội lực bền bỉ ấy được biểu hiện qua những ghềnh thác tung bọt trắng xóa và đặc biệt là khung cảnh hùng vĩ của thác Bản Giốc. Ngọn thác này là kiệt tác của sông Quây Sơn, khi dòng nước hiền hòa uốn lượn qua những cánh đồng bất ngờ đổ xuống từ độ cao hơn 30m tạo thành hai dòng thác chính – phụ ấn tượng cho một vùng núi non hùng vĩ.
Cách thác không xa là Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc – một trong những ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên miền đất biên cương phía Bắc của Tổ Quốc, hay động Ngườm Ngao như một mê cung kỳ diệu khiến du khách quên lối về. Đi dọc theo dòng sông còn có nhiều địa điểm ngắm cảnh để du khách chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt vời của sông, nước, mây, trời.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các địa danh nổi tiếng thu hút khách du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Đến Trùng Khánh, du khách có thể chọn cho mình một nhà hàng, khách sạn phù hợp hoặc lựa chọn sử dụng các dịch vụ tốt nhất tại các khu resort theo sở thích. Các homestay, farmstay của người dân bản địa bên bờ sông cũng là gợi ý thú vị cho kỳ nghỉ dành cho du khách. Không chỉ vậy, một số khúc sông Quây Sơn còn là nơi trải nghiệm môn thể thao chèo thuyền kayak hoặc ván sup của các bạn trẻ. Tại một số homestay còn cung cấp thêm dịch vụ cho thuê xe đạp và ca-nô trên sông phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của du khách.
Từ thác Bản Giốc, nơi cắm cột Mốc số 836 cho đến điểm cuối chảy trên lãnh thổ Việt Nam tại cột Mốc số 845, thuộc xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, lòng sông Quây Sơn trở thành đường biên giới tự nhiên phân chia lãnh thổ giữa hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc.
Từ bao đời nay vẫn vậy, sông Quây Sơn sẽ mãi là một dòng sông đầy sức sống, một biểu tượng cho sự tươi đẹp và trù phú. Thế hệ hôm nay cần đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn và phát huy hơn nữa các tiềm năng về kinh tế, du lịch trên dòng sông này, góp phần làm cho vùng đất Trùng Khánh ngày càng giàu và đẹp hơn./.
Nguồn: Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch Cao Bằng