Làng cổ Đông Sơn, nằm bên bờ sông Mã, thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), là một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Về thăm nơi đây, không chỉ hòa mình trong bầu không khí yên bình, khách du lịch còn được tìm hiểu các giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, khảo cổ độc đáo và ấn tượng.
Làng cổ Đông Sơn nằm bên bờ nam sông Mã, nơi tiếp giáp của hai dòng sông Chu, sông Mã và gần cầu Hàm Rồng lịch sử. Khoảng giữa những năm 20 của thế kỷ trước, làng đã nổi tiếng với di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Đông Sơn có niên đại hơn 2.500 năm lần đầu được phát hiện tại đây.
Cụ ông Lê Châu, 90 tuổi ở làng cho biết, năm 1924, người nông dân Nguyễn Văn Lắm ở làng khi đi bắt cá ở bờ sông Mã đã tìm thấy trống đồng cổ. Sau đó, người Pháp cho khai quật làng cổ Đông Sơn và tìm ra rất nhiều cổ vật có giá trị khác. Năm 1934, nhà nghiên cứu người Áo R.Heine Geldern (R. Hên-Gien-đơn) đã đề nghị công nhận nền “văn minh Đông Sơn” là nền văn minh tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ đầu dựng nước và đến nay, tên làng Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới – Văn hóa Đông Sơn.
Bên cạnh giá trị về khảo cổ, làng còn mang đậm dấu ấn kiến trúc nông thôn Việt Nam với kết cấu xóm làng, kiến trúc nhà cửa được xem là điển hình. Đường vào làng chạy dọc trung tâm, được lát gạch hoặc đá uốn lượn theo sườn núi, thuận lợi cho việc kết nối với các cụm dân cư ở hai bên và rất tiện cho việc đi lại.
Theo ông Lương Quang Trung, làng có bốn ngõ xóm với tên gọi đại điện cho tính cách và phẩm chất của người dân nơi đây là: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng. Tuy nhiên, thực tế là bây giờ chỉ còn ngõ Nhân và ngõ Trí là cổng ngõ vẫn giữ được nét kiến trúc xưa dù ít nhiều đã có sự tu bổ. Ngay đầu ngõ Dũng có một ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc của làng quê Việt với hàng rào bằng đá và cánh cổng gỗ đã bạc màu theo thời gian. Trong làng có khá nhiều ngôi nhà cũ với tường rào bao phủ rêu phong.
Làng cổ Đông Sơn có diện tích khoảng gần 4 km2, gồm 330 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Cũng nhờ đó mà một số ngôi nhà cổ thuần nông của làng vẫn còn giữ được đến bây giờ.
Đáng chú ý là ngôi nhà gỗ của cụ Lương Trọng Duệ tuổi đời 200 năm có kiến trúc điển hình của thế kỷ 19. Vì ý thức được giá trị của ngôi nhà cho nên ông Lương Thế Tập, con cụ Lương Trọng Duệ và cũng là người được giao chăm sóc ngôi nhà đã không ngừng tu bổ, tôn tạo, giữ gìn. Bên cạnh đó, ông cũng tạo dựng các không gian trưng bày những sưu tập đồ vật trang trí, công cụ lao động sản xuất đậm chất làng quê xứ Thanh.
Theo dòng thời gian có thể thấy lịch sử của làng cổ Đông Sơn gắn liền với những thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh. Những chứng cứ từ lòng đất làng cổ Đông Sơn như các bộ nông cụ, vũ khí, đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc… đã ghi dấu các thời kỳ, triều đại trong lịch sử dân tộc, là minh chứng sự hình thành, phát triển liên tục và sức sáng tạo của người Việt trên vùng đất Thanh Hóa.
Làng cổ Đông Sơn có đền thờ Đệ nhị Thần hoàng Trịnh Thế Lợi là Cẩm Hoa thị vệ đời Lê, người có công lập nên làng Đông Sơn và được dân suy tôn, chôn cất tại gò cao nhất trong làng. Phía cuối làng là ngôi chùa Phạm Thông xưa kia có tượng Phật Thích Ca bằng đồng đen và động Tiên Sơn rất rộng và thoáng. Giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi ở làng cũng là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách khi đến tham quan. Chung quanh làng là một quần thể văn hóa và danh thắng như: đền Cả, miếu Nhị, chùa Phạm Thông, động Tiên Sơn, giếng cổ. Trong đó, đền thờ Đức thánh cả Lê Uy và Trần Khát Chân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Với đặc điểm độc đáo của một làng cổ nằm ngay trong lòng thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn đã và đang trở thành điểm đến ngày càng thu hút đông du khách.
Nguồn: NDĐT