Huyện Phú Xuyên là đầu mối giao thông kết nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Huyện được mệnh danh là “đất trăm nghề” – huyện nghề, với 154/154 làng có nghề, trong đó có 43 làng được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Sản phẩm của các làng nghề được đem đi tiêu thụ trong khắp cả nước và nước ngoài.
Nhiều làng nghề của huyện rất nổi tiếng như: May mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La, bánh kẹo Cổ Đường… Các làng nghề hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 25.400 hộ, 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra những phố nghề sầm uất mang nét đặc trưng riêng của một huyện phía Nam thành phố.
Việc các sản phẩm làng nghề của huyện Phú Xuyên được đem đi tiêu thụ trong khắp cả nước và thế giới không chỉ góp phần quảng bá về văn hóa của huyện mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Huyện Phú Xuyên đã có những làng nghề được công nhệ là điểm du lịch làng nghề như: May mặc Vân Từ, Khảm trai Chuyên Mỹ, bánh kẹo Cổ Đường… Nhờ có nghề, kết hợp với du lịch và kinh doanh sản phẩm của các làng nghề đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80% số lao động của huyện, thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 66 triệu đồng/người/năm.
Làng nghề giày da xã Phú Yên có khoảng 500 cơ sở sản xuất gia công, với hơn 1.250 lao động, chưa kể hàng nghìn lao động ở các địa phương lân cận đến làm thuê. Sau thời gian dài tạm thời đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề giày da Phú Yên đã hoạt động trở lại. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Làng nghề may comple truyền thống xã Vân Từ sau những ngày giãn cách xã hội giờ cũng đã nhộn nhịp tiếng máy cắt, may trở lại, có đến 80% hộ trong xã làm nghề may mặc. Tương tự, ở Phú Túc, Cổ Đường, Tân Dân, Chuyên Mỹ và các làng nghề trong huyện Phú Xuyên các hoạt động sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa đã nhộn nhịp trở lại như trước đây. Dịp Tết là dịp sản phẩm của các làng nghề tiêu thụ nhiều, do nhu cầu của khách hàng tăng cao, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải làm thâu đêm để kịp giao sản phẩm cho các đơn hàng. Với các hoạt động kinh doanh, bày bán sản phẩm làng nghề, hiện đã thay đổi hình thức, thay vì chỉ bày bán trực tiếp như trước đây, các hộ sản xuất làng nghề và kinh doanh sản phẩm làng nghề đã chuyển hướng sang bán hàng online qua mạng xã hội (chiếm phần lớn), kết hợp với bán hàng trực tiếp, nên hiệu quả kinh doanh, quảng bá sản phẩm rất cao.
Quan tâm làng nghề, những năm qua, thành phố Hà Nội và huyện Phú Xuyên luôn chỉ đạo, thúc đẩy phát triển ở lĩnh vực này. Theo thống kê, toàn huyện Phú Xuyên hiện có 385 công ty, doanh nghiệp; 06 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 03 hiệp hội sản xuất, kinh doanh liên quan về sản xuất TTCN, làng nghề. Huyện Phú Xuyên hiện có 11 cụm công nghiệp làng nghề được Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch, trong đó đã có 4 cụm công nghiệp là cụm CN Phú Túc, Phú yên, Đại Thắng và Vân Từ đã được UBND TP HN đã ra quyết định thành lập. 7 cụm CN làng nghề gồm: Hồng Minh, Sơn Hà, Phượng Dực, Bạch Hạ, Tri Trung, Hoàng Long, Văn Hoàng đang được UBND huyện kêu gọi xây dựng hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở đề nghị UBND Thành phố quyết định thành lập các cụm công nghiệp này. UBND huyện đã và đang triển khai xây dựng Đề án bảo vệ môi trường cho 43 làng nghề. Các làng nghề trong huyện nhiều năm qua đã được đầu tư cơ sở hạ tầng: Từ năm 2016 đến nay, đã sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa được 210 km, với kinh phí 736,2 tỷ đồng đường xã, liên xã; 125 km, với kinh phí 285 tỷ đồng đường trục liên thôn. Những năm qua, huyện Phú Xuyên đã mở được 73 lớp dạy nghề, với trên 2500 học viên tham gia …
Đặc biệt, huyện Phú Xuyên đã nhiều lần tổ chức thành công Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống nhằm quảng bá, giới thiệu làng nghề truyền thống ở địa phương. Huyện cũng luôn quan tâm đến công tác xây dựng nhãn hiệu tập thể, thế nên đã có 97 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được Thành phố chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội