Đến thôn Lộc Đông (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), được sự chỉ dẫn của những người dân địa phương, chúng tôi ngỡ ngàng phát hiện ra một khung cảnh rất nên thơ và vẫn còn hoang sơ, ít được biết đến – đó là suối Ục Giô.
Về xuất xứ của tên gọi thì ngay cả những người dân địa phương ở đây cũng không rõ. Theo bà con giải thích có thể tên trước đây là Hục (ao, hồ, vũng) Giô sau đọc trại thành Ục Giô.
Giữa trưa nắng chang chang, trên con đường mòn gập ghềnh, mấp mô dẫn đến suối Ục Giô, chúng tôi bất chợt gặp một bàu hoa súng nở rộ khoe sắc hồng tươi dưới ánh mặt trời, xa xa có thể nghe được tiếng nước từ suối Ục Giô rầm rì tuôn chảy. Từ đó, theo đường mòn băng qua những đám ruộng xanh mơn mởn, nghe tiếng nước chảy róc rách vọng lại mà bước tới, chúng tôi đến được suối Ục Giô.
Con suối nhỏ hoang sơ nhưng cảnh vật quyến rũ không thua bất kỳ thắng cảnh nào khác. Cũng có dòng nước đổ từ trên cao xuống, cũng những bờ đá đủ hình thù màu sắc in dấu thời gian soi bóng xuống một ao nước trong vắt. Phía trên những tảng đá cây cỏ đua nhau chen mọc tạo nên một không gian thiên nhiên xanh rất trữ tình. Cùng với đó là những tán cây trải rộng bóng mát ở hai bên bờ suối, khiến lữ khách phải dừng bước ngẩn ngơ bởi vẻ hoang sơ giữa khung cảnh thiên nhiên trữ tình. Lác đác quanh suối có những tảng đá rộng và bằng phẳng, tại đây ta có thể tha hồ nghỉ ngơi, ngắm cảnh thác đổ, suối reo… Chúng tôi ngồi nghỉ ngơi dưới bóng mát của những tán cây cổ thụ to cao có bộ rễ sù sì ôm lấy đá để cho mọi bụi đường, mệt nhọc, u sầu theo những cơn gió dịu mát cuốn đi.
Giữa không gian hoang sơ ấy, không có gì thú vị bằng việc tự hòa mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh. Cảm nhận làn nước mát vỗ về, gột rửa bụi đường, lắng tai nghe tiếng chim rừng râm ran hót say sưa, cỏ cây hoa đá thầm thì hòa cùng tiếng suối chảy róc rách… Dưới những tán cây râm mát, lấy đá làm bàn, làm ghế ngay bên hồ nước tỏa hơi mát lạnh…, chúng tôi ngồi thưởng thức món đặc sản trứ danh của vùng đất Nông Sơn là gà tre đèo Le với một ít rượu quê mà tâm trạng cảm thấy lâng lâng, say say. Có lẽ say chăng là say đất, say trời, say cái khung cảnh thiên nhiên quá đỗi hoang sơ, thơ mộng. Quả là không uổng công một lần tìm đến với suối Ục Giô…
Nguồn: Báo Đắk Lắk