Cù Lao Xanh là một trong 4 xã đảo và bán đảo nằm gần Vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu cách thành phố biển Quy Nhơn khoảng 24km về phía Đông Nam. Nếu đi thuyền từ bến Hàm Tử, du khách phải mất khoảng 50 phút đi bằng tàu thủy cao tốc và gần 120 phút đi bằng tàu vận chuyển của ngư dân trong điều kiện trời yên biển lặng.
Đảo rộng chừng 3,5km2 nhưng đẹp quyến rũ một cách hoang sơ. Do địa thế nằm án ngữ giữa hai cửa vịnh Quy Nhơn và vịnh Xuân Đài nên đảo Cù Lao Xanh còn có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phòng thủ bờ biển.
Lần đầu tiên đặt chân đến đảo, du khách sẽ rất ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp nơi đây. Với những dãy núi uốn quanh xanh ngút ngàn, những tảng đá tự nhiên chồng lên nhau rất đẹp mắt, những rạn san hô, những rặng đá kỳ vĩ ưỡn mình vạm vỡ trước muôn trùng sóng biển. Đây chính là điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa thích khám phá du lịch tự nhiên kỳ thú.
Đặc biệt, nếu đến Cù Lao Xanh mà du khách không ghé thăm, tham quan và khám phá ngọn hải đăng là một thiếu sót vô cùng lớn. Được biết, năm 1890, từ sự kiện một chiếc tàu thủy bị chìm vì đâm phải đá ngầm thuộc khu vực biển Quy Nhơn, người Pháp đã quyết định xây dựng ở Cù Lao Xanh một ngọn hải đăng, đặt tên là Poulo Gambir. Ngọn hải đăng được xây dựng theo kiến trúc thời Pháp thuộc, toàn bộ kiến trúc được xây bằng đá tảng lớn, tường dày hơn 1m.
Theo ông Nguyễn Hữu Kha – Trạm phó của Hải đăng cho biết: kết cấu của hải đăng gồm 4 phần chính, phân bổ hài hòa, hợp lý. Tính từ chân tháp lên đỉnh, hải đăng Cù Lao Xanh cao 19 m. Phần chân tháp gồm 32 bậc thang được xây bằng gạch vồ; phần thân tháp hình trụ, bên trong có một cầu thang lượn hình xoắn ốc 58 bậc. Đây là một trong những ngọn hải đăng được xây dựng sớm và hiện đại nhất Việt Nam.
Ngọn hải đăng sừng sững hiên ngang là biểu tượng đẹp nhất cho tinh thần của người dân Cù Lao Xanh quanh năm sống chung với sóng gió biển khơi. Trải qua bao thăng trầm lịch sử hải đăng vẫn luôn sáng đèn giúp việc định vị của tàu thuyền đánh bắt trên biển Bình Định và khu vực biển lân cận của Nam miền Trung. Vì vậy, ngọn hải đăng còn được gọi là đôi “mắt thần” của biển. Ngoài ra nó còn có mục đích quan trọng là xác định chủ quyền đất nước. Ðêm đêm, từ bờ biển Quy Nhơn, phóng tầm mắt ra khơi xa, du khách có thể thấy ngọn hải đăng như ẩn, như hiện, vừa huyền diệu, vừa bí ẩn giữa hàng trăm đốm sáng lung linh tựa hoa đăng.
Bên cạnh ngọn hải đăng là khu nhà xây cho một viên quan Pháp thủa xưa, nay được dùng làm trạm hải đăng Cù Lao Xanh. Tòa nhà này gồm 2 tầng, rộng 10m, dài 40m, có 16 phòng, được xây bằng gạch vồ, tường dày tới gần nửa mét và móng nhà xây bằng đá tảng rất kiên cố. Ðặc biệt, ở đây có một hệ thống dự trữ nước mưa không bao giờ cạn. Nước mưa được hứng trên sân thượng và chảy qua hệ thống ống dẫn (có lưới lọc bụi, rác) xuống bể sâu ở tầng hầm cuối cùng thì vô cùng sạch và rất ngon.
Xem thêm: Chill tại Quy Nhơn, bí kíp chọn điểm lưu trú
Ngoài ra vào ngày 31/10/2014, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức khánh thành Cột cờ Tổ quốc trên đảo. Đây là cột cờ đầu tiên trong 7 cột cờ Tổ quốc được xây dựng tại các đảo tiền tiêu gần bờ của cả nước do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng. Điều này góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời là nơi giáo dục, rèn luyện tinh thần yêu nước của thanh niên; nơi tham quan, du lịch đầy ý nghĩa đối với người dân và du khách.
Đặc biệt, vào ngày 22/11/2014, hải đăng Cù Lao Xanh đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn là Top 5 ngọn hải đăng trên 100 tuổi nổi tiếng nhất.
Nếu đứng từ đỉnh ngọn hải đăng, có thể nhìn bao quát toàn bộ không gian làng chài đang nằm yên bình dọc theo eo biển. Phóng tầm mắt ra xa là không gian bao la xanh ngắt của biển trời quê hương.
Mặt khác, nếu đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh đẹp như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống. Còn bãi sau toàn đá là đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm. Xa xa là bọt sóng và bụi nước tung lên trắng xoá cả một vùng trời biển.
Từ ngọn hải đăng, đi men xuống theo hướng tây bắc là Suối Tiên. Tên suối xuất phát từ một truyền thuyết kể rằng, xưa kia vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời hay xuống suối để du ngoạn, tắm mát và vui đùa rồi mới bay trở về trời. Có dịp tới đây, du khách hãy một lần đến tắm ở suối để cảm nhận được vị ngọt tinh khiết của nước suối và hương vị mặn mòi của biển cả phảng phất trong không khí.
Theo một con đường dài chừng 3km trải đầy hoa dại hai bên đến phía bắc của Cù Lao Xanh, du khách sẽ tha hồ ngắm nhìn những hòn đá đủ hình thù, dõi mắt theo đôi chân nhảy nhót của những chú chim biển để thực sự tan biến vào thiên nhiên tươi đẹp. Tại đây còn có một bãi cát nhỏ rùa biển thường lên đào ổ đẻ trứng và nếu may mắn, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy đàn rùa con bò trên bờ cát để về với biển. Du khách nhớ đem theo cần câu để khi mỏi chân, hãy ngồi nghỉ bên ghềnh đá và buông cần câu cá hay lội nước bắt một ít ốc vú nàng. Kiếm củi rừng, nướng ngay tại chỗ, du khách sẽ có những giây phút thư giãn vô cùng sảng khoái bên bạn bè và người thân.
Chiều về ngắm hoàng hôn trên cầu cảng, du khách sẽ không khỏi ngây ngất trước cảnh người dân trên đảo ngồi vá lưới bên bờ biển, những em nhỏ hồn nhiên nô đùa, giỡn sóng, và những chiếc thuyền đánh cá dập dềnh xa xa trong một buổi chiều bình yên chín đỏ.
Không biết từ bao giờ, hải đăng nói riêng và đảo Cù Lao Xanh nói chung đã trở thành một nơi không thể bỏ qua đối với những du khách yêu thích khám phá thiên nhiên hoang dã. Họ đến để được hòa mình vào trời xanh, biển xanh và một cù lao xanh.
Xem thêm: 15 điểm du lịch đẹp nhất ở Quy Nhơn