Thành phố Hà Nội đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống, tạo cơ hội để các chủ thể phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lâu nay, sản phẩm của làng nghề giày da xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) được nhiều người tiêu dùng biết đến. Cả xã có bốn thôn, thì có đến ba thôn sản xuất giày dép, với tổng số hơn 300 hộ, hơn 2.000 người tham gia sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của làng nghề làm ra có chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, giá cả hợp lý, đã có mặt ở thị trường trong nước và được xuất khẩu. Từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến không ít làng nghề truyền thống lao đao, nhưng làng nghề giày da Phú Yên vẫn phát triển ổn định. Người dân mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến quy trình sản xuất, chuyên nghiệp hóa các công đoạn sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ, hiệu quả. Nhiều hộ sản xuất chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tích cực tham gia dự thi, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, xã Phú Yên có bốn sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn bốn sao. Ngoài bốn sản phẩm đã được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP, dự kiến trong năm nay xã đăng ký thêm năm sản phẩm OCOP, tạo thêm cơ hội cho làng nghề ngày càng phát triển.
Tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nghề nấu xôi cũng được người dân gìn giữ, trao truyền và phát triển nhiều năm qua. Đến nay, Phú Thượng được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống và xây dựng thành công thương hiệu làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Đáng chú ý, năm 2020, ba sản phẩm của làng nghề gồm xôi chè, xôi xéo và xôi ngũ sắc, làm từ phẩm mầu tự nhiên như gấc, nghệ tươi, hoa hiên, được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đại diện Hội Làng nghề xôi truyền thống Phú Thượng, để giữ vững chất lượng sản phẩm, thương hiệu làng nghề truyền thống, các hội viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nấu xôi truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Từ khi sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Thu nhập của người dân nâng cao. Thương hiệu xôi Phú Thượng được nhiều người biết đến.
Mới đây, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần một, đợt một năm 2021. Trong số 53 sản phẩm dự thi được Hội đồng đánh giá có 22 sản phẩm của huyện Hoài Đức và 31 sản phẩm của huyện Quốc Oai. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội sẽ đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nông dân. Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận từ ba sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất một trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm, mỗi quận, huyện thị xã phát triển ít nhất hai điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Để thực hiện mục tiêu này, năm nay Hà Nội phấn đấu đánh giá được 400 sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho biết, đến hết năm 2020, thành phố đã đánh giá phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP của 216 chủ thể, qua đó đã giải quyết và tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động ở nông thôn. Năm nay, thành phố phấn đấu đánh giá 400 sản phẩm OCOP. Hiện, các quận, huyện, thị xã đăng ký được 541 sản phẩm. Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Báo Nhân Dân