Chiêm ngưỡng nghệ thuật tạo hình độc đáo chùa Phù Ly 1 (Vĩnh Long)

Đồng bào Khmer Vĩnh Long có 13 chùa Phật giáo Nam tông. Bên cạnh các chùa từng là nơi nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ, là cơ sở của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, người Khmer Vĩnh Long còn sở hữu nhiều ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật đẹp, sắc sảo, thể hiện nét đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình đã tạo được ấn tượng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trong đó có chùa Phù Ly 1, thuộc xã Đông Bình, thị xã Bình Minh.

Các hình tượng được trang trí tại quần thể cột cờ tạo nên những nét nổi bật trong không gian nghệ thuật kiến trúc tạo hình của chùa Phù Ly 1 (Ảnh do chùa Phù Ly 1 cung cấp)

Xuất phát từ trung tâm thị xã Bình Minh, chúng tôi đi xe máy theo quốc lộ 54 hướng về huyện Trà Ôn khoảng 10 phút là nhìn thấy cổng chào ấp Phù Ly. Vào cổng, chúng tôi chạy tiếp chừng 2km nữa là đến chùa Phù Ly 1 nằm bên trái. Tuy nằm sâu trong ấp Phù Ly, nhưng chùa Phù Ly 1 là địa điểm tâm linh thu hút đông Phật tử và du khách đến hành hương, tham quan.

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, chùa là “ngôi nhà thứ hai” (sống gửi thân, chết gửi cốt ở chùa), vì thế chùa của người Khmer đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt của đồng bào Khmer; là trung tâm, là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer. Bên cạnh đó, chùa Phù Ly 1 còn là một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp, độc đáo, mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao của người Khmer Vĩnh Long.

Sư cả Thạch Thanh Tùng, Trụ trì chùa Phù Ly 1 cho biết, chùa được xây dựng vào năm 1672 của thế kỷ 17 trên diện tích hơn 2 héc ta. Trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa được các vị Trụ trì, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ban quản trị và các mạnh thường quân quan tâm, chung tay trùng kiến lại ngôi chùa trở nên bề thế, uy nghiêm như hôm nay. Chùa được thiết kế, xây dựng dựa theo kiến trúc của Ấn Độ và đền Ăng Co Vat của Campuchia, gồm các hạng mục: Cổng chùa, chánh điện, sala, trai đường, tháp cốt, quần thể cột cờ, tượng Phật nằm, Phật cảnh, lò hỏa táng… xung quanh được bao phủ bởi nhiều cây sao, dầu, thốt nốt hơn 100 năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm và tạo không gian thâm nghiêm, cổ kính cho ngôi chùa.

Trong từng công trình kiến trúc của chùa, những người thợ, nghệ nhân Khmer đều trang trí, đắp nổi lên đó nhiều lớp biểu tượng khác nhau liên quan đến thực vật, động vật, linh vật, nhiên thần và hình tượng đức Phật Thích Ca. Những hình tượng này vừa mang dáng dấp của Phật giáo (hoa sen, hình tượng đức Phật trong nhiều tư thế) và vừa mang dáng dấp của đạo Bà La Môn (hình tượng Thần Bốn Mặt, thần Tê-vô-đa, Yeak (chằn), Reahu, nữ thần Kây No, rắn nhiều đầu, Hoong (chim Phượng Hoàng), hình tượng Lân- Sư, chim thần Krut…). Đối với hình tượng chim thần Krut và nữ thần Kây No là những biểu tượng được các nghệ nhân quan tâm và tác tạo khá phổ biến. Mỗi biểu tượng đều có những ý nghĩa, giá trị nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của cộng đồng người Khmer.

Trong các hạng mục chùa Phù Ly 1, nổi bật và quan trọng nhất là chánh điện. Trong tâm niệm người Khmer, chánh điện tượng trưng cho ngọn núi Mêru- một ngọn núi thiêng và là nơi các vị thần đến tu học thuyết Bà La Môn, xung quanh chánh điện là những ngôi tháp cốt có chiều cao thấp hơn chánh điện, tượng trưng cho những ngọn núi nhỏ bao quanh ngọn núi thiêng Mêru.

Chánh điện chùa Phù Ly 1 được xây trên nền cao, được bao phủ bởi màu vàng sặc sỡ, rực sáng trong ánh nắng ban mai, tách biệt với các công trình khác. Trên nóc chánh điện có một đỉnh tháp, xung quanh tháp các nghệ nhân trang trí, đắp nổi nhiều hình tượng rồng ngẩng cao đầu hướng về hai bên, thân rồng được trang trí như những chiếc thuyền đua giữa mênh mông sóng nước, đuôi rồng uốn lượn cong vút vươn lên trời xanh. Phía dưới nóc mái chánh điện có nhiều hình tượng nữ thần Kây No với vẻ mặt xinh xắn, hiền từ, có đôi cánh dang rộng, hai chân đứng thẳng, ưỡng ngực ra phía trước, hai cánh tay đưa cao đỡ diềm mái làm điểm kết nối giữa các hàng cột với mái chánh điện tạo nên sự uyển chuyển, nhẹ nhàng trong nghệ thuật kiến trúc của người Khmer. Nghiên cứu một số tài liệu cho thấy, nữ thần Kây No là những nàng tiên xinh đẹp, duyên dáng và có kỹ năng múa hát điêu luyện.

Hệ thống hình tượng và kiến trúc nghệ thuật trên mái và bên ngoài chánh điện chùa Phù Ly 1 (Ảnh: Minh Triết)

Tham quan chùa Phù Ly 1, Phật tử và du khách còn nhận thấy hình tượng chim thần Krut cũng được tạo tác như nữ thần Kây No, nhưng đây là hình tượng có dáng người, đầu chim, trang trí chính ở đầu cột 4 góc chánh điện, nâng đỡ mái chánh điện. Ngoài ra, còn có hàng trăm hình tượng chim thần Krut được đắp nổi trang trí trên các mảng tường dọc theo chân chánh điện. Quanh chánh điện là dãy cột có đắp nổi hình tượng thần Bốn Mặt (Kabil Maha Brum) nhủ vàng, 4 mặt của thần quay về 4 hướng Đông- Tây- Nam- Bắc, qua đó cũng truyền tải ý nghĩa khác là đại diện cho từ, bi, hỷ, xã trong Phật giáo.

Vào trong chánh điện, chúng ta sẽ thấy hình tượng đức Phật Thích Ca to lớn tọa tòa sen trong tư thế đang thuyết pháp được thờ tự ngay trung tâm chánh điện. Sau khi bái Phật, chúng ta hãy dành chút thời gian thưởng lãm những bức bích họa được vẽ trên các vách tường trong nội thất chánh điện, để tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và quá trình hoằng dương Phật pháp của đức Phật Thích Ca.

Điểm nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc tạo hình của chùa Phù Ly 1 còn thể hiện qua hệ thống quần thể cột cờ. Gọi là quần thể, bởi cột cờ chùa Phù Ly 1 được xây ở giữa khuôn viên chùa trên khoảnh sân rộng, xung quanh các nghệ nhân Khmer đặt nhiều tượng sư tử, nữ thần, cũng như rồng, rắn thần Naga với màu vàng chủ đạo tạo nên sắc thái sặc sỡ cho không gian chùa. Quần thể kiến trúc này được dựng trên 3 lớp tam cấp. Lớp tam cấp dưới cùng, có diện tích lớn nhất với 8 tượng sư tử đặt ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Bậc tam cấp thứ hai có đặt tượng 4 nữ thần ở 4 góc trong tư thế đứng chắp tay, mắt và mặt cũng nhìn về 4 hướng nhằm thể hiện sự tôn kính và hoan hỷ đối với đức Phật Thích Ca, đồng thời cũng hàm ý ban phước lành, tài lộc đến với mọi chúng sinh. Lớp biểu tượng thứ ba là hình tượng 4 con rồng và rắn thần Naga trong tư thế cổ chúi xuống đất, đầu ngẩng lên quay về 4 hướng, mang rắn xòe to, bên trong mang là hình tượng 5 đầu rắn nhỏ biểu trưng cho sự sinh sổi nảy nở. Tầng cột bên trên thân rắn Naga uốn lượn, quấn quanh và ôm sát với thân cột, các chót đuôi tạo thành bệ đỡ chim phượng hoàng (Hoong) dang rộng đôi cánh làm phương tiện treo cờ đạo và cờ nước trong những ngày chùa tổ chức lễ hội.

Hàng năm, tại chùa Phù Ly 1 diễn ra nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer: Tết CholChnamThmay, lễ SenDolTa, lễ OkOmBok, lễ Dâng y Katina…Đặc biệt, năm 2014 chùa là nơi đăng cai tổ chức ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long lần thứ V gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực phong phú, thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận đông viên người Khmer và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia.

Một lần đến tham quan chùa Phù Ly 1, du khách sẽ có dịp hòa mình vào không gian lễ hội đặc trưng của đồng bào Khmer, chắp tay thành tâm khấn niệm trước hình tượng đức Phật Thích Ca cho tâm thêm vững, lòng thêm an; đây cũng là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng và được nghe, hiểu thêm về những huyền thoại mang tính giáo dục luôn gắn liền với các hệ thống hình tượng động vật, thực vật, nhiên thần được điêu khắc, chạm trổ công phu trên những công trình kiến trúc độc đáo của chùa./.

Nguồn: Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long