Sáng ngày 11/11, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Tham gia Hội nghị, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch có gian hàng trưng bày, quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái, các khu điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh thông qua hệ thống pano, ấn phẩm, sách, ảnh…
Hội nghị được tổ chức tại 10 điểm cầu của tỉnh Bắc Giang, trên 100 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và 1 điểm cầu tại Trung Quốc. Tại điểm cầu chính huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), tham dự có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và một số đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan T.Ư.
Theo UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay, Lục Ngạn có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại; trong đó, tổng diện tích trồng vải toàn huyện là 15.450 ha, tăng 160 ha so với năm 2020, sản lượng đạt 144.826 tấn; diện tích sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap là 12.500 ha, tăng 710 ha so với năm 2020, chiếm 80,26% tổng diện tích. Bên cạnh quả vải thì cam, bưởi… cũng là những trái cây đặc sản và hiện đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Huyện đang tiếp tục phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, Cục Sở Hữu trí tuệ hoàn thiện thủ tục để cấp Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Ổi Lục Ngạn, Nhãn Lục Ngạn, Dê Lục Ngạn, Ngựa Lục Ngạn…
Cùng với nông sản, Bắc Giang cũng có tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà. Bên cạnh đó, còn có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn hơn 11 nghìn ha, sản lượng hơn 230 nghìn tấn, đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn cho biết: Trong số các địa phương tập trung nhiều cây trái nổi tiếng của Bắc Giang phải kể đến huyện Lục Ngạn. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao như vải, nhãn, cam, bưởi, táo… Hiện nay, cam, bưởi và một số nông sản của tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có nhiều nông sản cung cấp ra thị trường. Trong đó, cam các loại khoảng 48 nghìn tấn, bưởi 37 nghìn tấn, na 4 nghìn tấn, được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch, văn hóa. Tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh đối với các sản phẩm du lịch đặc thù của Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá gắn với trải nghiệm hoa trái vườn đồi.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu đã tập trung tham luận một số nội dung để góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản của tỉnh, các giải pháp lưu thông hàng hóa, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, kinh nghiệm xúc tiến thương mại…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương ghi nhận, tiếp thu và định hướng chỉ đạo trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa từng vấn đề mà các đại biểu quan tâm như: Chủ động công tác truyền thông, cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đa dạng các kênh phân phối, kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử. Qua đó, mở ra triển vọng hợp tác rộng rãi trong việc đưa cam, bưởi và các nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang đến với các thị trường trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, các địa phương của tỉnh Bắc Giang và các đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết, ghi nhớ về tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang./.
Nguồn: Trang Thông tin Du lịch Bắc Giang