Hải Phòng – hấp dẫn tour ẩm thực

Nửa năm trở lại đây, “cuối tuần rồi, food tour Hải Phòng thôi” hay “cùng ăn sập Hải Phòng trong 48 giờ” là những lời mời gọi quyến rũ được liên tục gửi tới các thành viên trên nhiều hội nhóm, diễn đàn có chung niềm đam mê khám phá ẩm thực. Không chỉ nhanh chóng trở thành “từ khóa” thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người trẻ thuộc thế hệ Z, đến Hải Phòng để “lòng vòng ẩm thực” và “lòng vòng check-in” đã trở thành trào lưu du lịch được đông đảo du khách gần xa ưu tiên lựa chọn.

Ốc cay – món ăn mà du khách tới Hải Phòng không thể bỏ lỡ

Món ngon hút khách

Nhà ga Hải Phòng – công trình kiến trúc Pháp tuyệt đẹp đã trở thành địa điểm check-in đầu tiên của một nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội, trên chuyến tàu mở đầu ngày mới khởi hành lúc 6h00. Cầm trên tay những tấm bản đồ đầy ắp thông tin nơi ăn, chốn chơi được cung cấp miễn phí ngay khi vừa xuống tàu, cả nhóm hớn hở tìm chỗ thuê xe máy “để dành trọn kỳ nghỉ cuối tuần cho một hành trình ngon-bổ-rẻ trong mơ” – Nguyễn Diệu Linh, cô sinh viên Đại học Kiến trúc năm cuối cười toe chia sẻ, khi vừa nhanh chóng đánh dấu những điểm đến đầu tiên vừa hô hào nhóm bạn nhanh chóng lên đường.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ẩm thực vừa là một lợi thế riêng vừa là động lực mạnh mẽ để mỗi quốc gia có thể phát triển du lịch ẩm thực nói riêng và du lịch văn hóa nói chung. “Food tour” hay du lịch ẩm thực là hoạt động trải nghiệm, thưởng thức nhiều món ăn tại cùng một khu phố, vùng miền hay thậm chí là một đất nước nào đó. Người tham gia sẽ ghé thăm những cửa hàng có bán những món đặc trưng của vùng để vừa thưởng thức vừa chia sẻ những cảm nhận của bản thân, với bè bạn người thân và với cộng đồng cùng sở thích.

Tròn 15 năm trước, “cha đẻ của marketing hiện đại” Philip Kotler từng gợi ý, rằng du lịch Việt Nam nên tham khảo câu slogan “bếp ăn của thế giới”, như một cách định vị thương hiệu độc đáo của riêng mình. Theo thời gian, sức hấp dẫn không thể chối từ với du khách năm châu của những cái tên làm nên thương hiệu nghệ thuật ẩm thực Việt như nem, phở, bánh mì, gỏi cuốn… là một thực tế không cần bàn cãi. Nhưng biến hành trình khám phá những tinh hoa ẩm thực vùng miền trở thành sản phẩm chủ lực, đặc trưng thì thành phố hoa phượng đỏ có lẽ là địa phương mạnh dạn mở lối đi đầu.

Dưới góc nhìn của ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng thì “sức quyến rũ của bánh đa cua, nem cua bể, bún cá cay, bánh mì cay hay sủi dìn, bánh đúc tàu, cháo khoái – những đặc sản gắn liền với thành phố Cảng nằm ở phong cách chế biến độc đáo, đậm đà bản sắc vùng miền, đa dạng, tinh tế, thu hút mọi giác quan của thực khách. Người Hải Phòng vốn có tiếng là kén ăn nên những món ăn mà họ dụng công chế biến đã trở thành những sản phẩm ẩm thực độc đáo, hấp dẫn số đông”.

Lần theo tấm bản đồ “Hải Phòng – lòng vòng ẩm thực” mà Sở Du lịch thành phố dày công xây dựng, du khách sẽ đến với một hành trình cực kỳ thú vị. Từ “điểm tâm sáng, sao có thể chối từ” tới “bữa xế chiều, thật cool phiêu” rồi “ăn đêm, mlem, mlem”. Từ “sáng đánh thức”, “trưa thưởng thức” tới “chiều háo hức”, “đêm thao thức” cùng những quán xá đã trở nên quen thuộc với mọi tín đồ ăn uống.

Food tour đã làm được điều kỳ diệu, khi bắc nhịp cầu đưa du khách mọi miền về với Hải Phòng. Sau khi cái bụng đã lặc lè với đủ loại đồ ăn và thức uống, khách sẽ có nhu cầu đi chơi. Và một bản đồ “lòng vòng check-in” tiếp tục ra đời, với “Tọa độ 1:

Màu thời gian”, “Tọa độ 2: Hẹn ước thanh xuân” cùng “Tọa độ 3: Góc phố muôn màu” sẽ cung cấp cho du khách những bí quyết cần thiết để có được những tấm hình lung linh, rực rỡ sắc màu nhất.

Không chỉ dừng ở những tấm bản đồ “cực chill, cực hợp trào lưu hưởng thụ với ngôn ngữ, góc nhìn rất riêng của giới trẻ” như nhiều du khách trầm trồ review, đầu tháng 9 vừa qua, Sở Du lịch Hải Phòng đã kịp cho ra mắt bản đồ số “Hải Phòng City Tour”, nơi vừa hướng dẫn tỉ mỉ mọi thông tin mà du khách cần vừa nhận trực tiếp phản hồi, đánh giá về mức độ hài lòng với từng dịch vụ. Một sàn giao dịch trực tuyến Du lịch Hải Phòng cũng được Sở phối hợp với Traveloka xây dựng nhằm cung ứng mọi tiện ích cần thiết cho khách du lịch, với duy nhất một cú nhấp chuột.

Đồng hành cùng những sản phẩm truyền thông hài hước, tươi vui, bám sát trào lưu và đậm đặc tư duy người trẻ do những nghệ sĩ, những người sáng tạo nội dung số nổi tiếng góp mặt, Sở cũng mở một chiến dịch quảng bá “Hello Hải Phòng” trên nền tảng TikTok, nơi những tiktoker thỏa sức cho ra đời những khuôn hình lung linh về cảnh sắc, văn hóa, ẩm thực đậm dấu ấn đất Cảng…

Bánh đa cua – “thương hiệu ẩm thực” Hải Phòng

Nhịp cầu nối những bờ vui

Lợi thế của Hải Phòng là hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh thành đa dạng, thuận tiện. Lợi thế của Hải Phòng là có biển bạc, có rừng vàng, có vịnh Lan Hạ với những hòn đảo, bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp cùng một thành phố thừa thãi tiềm năng phát triển du lịch đô thị khu vực trung tâm. Nhưng tính tới thời điểm trước dịch Covid-19, trái ngọt mà du lịch đất Cảng nhận về vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, dù sức hút của những địa danh Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên, Cát Hải, hòn Dấu… là không hề nhỏ.

“Hải Phòng, ra ngõ là gặp món ngon. Hãy cùng lòng vòng Hải Phòng, để lạc trôi và tận hưởng thế giới ẩm thực muôn màu của đất Cảng” – lời mời gọi thân thương ấy đã trở thành thỏi nam châm để du lịch Hải Phòng có bước chuyển mình đáng kinh ngạc sau quãng thời gian dài “ngủ đông” vì ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Những con số đầy lạc quan đã xuất hiện trong báo cáo sơ kết hoạt động tám tháng đầu năm 2022, khi thành phố Cảng đón hơn 5 triệu lượt khách, trong đó có gần 400 nghìn khách quốc tế, doanh thu ước tính đạt 4.521 tỷ đồng. Công suất phòng của hệ thống khách sạn từ ba sao trở xuống đạt hơn 80%.

Nhờ hiệu ứng lan tỏa rộng khắp trên các nền tảng mạng xã hội của food tour, ga Hải Phòng đã được thổi một luồng sinh khí mới với 100 nghìn lượt khách đến và cũng xấp xỉ chừng đó khách đi, chỉ trong quý II năm 2022, bằng cả năm khai thác thời điểm trước dịch. Có thể nói, tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng đã đổi đời nhờ food tour. Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng Nguyễn Văn Hạnh từng vui mừng chia sẻ với báo giới, khi đã tăng từ 2 đôi lên 4 đôi tàu khách khai thác mỗi ngày, riêng ngày cuối tuần có hẳn 5 đôi. Nếu trước đây, mỗi chuyến tàu chỉ đón trung bình 200 khách thì nay đã ở mức 400-500, dịp nghỉ lễ có thể đạt tới 800-1.000 khách. Cũng theo chia sẻ của cô sinh viên kiến trúc Diệu Linh, cả nhóm đã phải ngậm ngùi lùi lịch khởi hành một tuần vì hết chỗ, do chủ quan tới quầy vé quá muộn.

Nhờ food tour, dịch vụ cho thuê xe máy, dịch vụ taxi truyền thống và taxi công nghệ đều phát triển rất mạnh. Nhiều tuyến xe bus, xe điện vận chuyển khách từ ga tàu tới các “thiên đường ẩm thực” như chợ Tam Bạc-chợ Cố Đạo-phố Hàng Kênh… cũng được cơ quan quản lý khẩn trương xây dựng. Nếu chọn dịch vụ Grab tới mọi địa điểm nằm trong danh sách check-in gợi ý, khách sẽ nhận được khoản ưu đãi lên tới 20%. Và cũng nhờ food tour, lượng sản phẩm bán ra của những địa chỉ ẩm thực uy tín tăng gấp vài lần. Không chỉ thưởng thức tại chỗ mà còn mang đi, không chỉ mua về làm quà mà còn tìm tới những hệ thống đại lý hình thành tại nhiều địa phương khác.

“Thỏi nam châm” ẩm thực không chỉ thu hút đối tượng khách bình dân, thu nhập trung bình mà còn trở thành một trong những sản phẩm mà các tour cao cấp chọn lựa. Khách đi du thuyền thăm thú vịnh Lan Hạ, nghỉ dưỡng trên đảo Cát Bà, tắm biển Đồ Sơn đều dành ra nửa ngày để lòng vòng ẩm thực. Bắc nhịp cầu đưa khách tới đất Cảng, food tour sẽ là mối liên kết để du khách biết tới, trải nghiệm và nhận lại những món quà quý từ đất và người Hải Phòng.

Từ cú hích đầy nội lực của food tour, “Hải Phòng đang từng bước trở thành một trong những trung tâm thu hút luồng khách du lịch của khu vực Duyên hải Đông Bắc nói chung và miền bắc nói riêng, sẽ đón 12 triệu lượt khách vào năm 2025 và du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố” – như kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030.

 

Báo Nhân Dân – nhandan.vn