Với những du khách đến Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) lần đầu, họ sẽ vô cùng thích thú khám phá không gian văn hóa, kiến trúc truyền thống của ngôi làng cổ đặc trưng Bắc Bộ. Có những ngôi nhà mái ngói đã trải qua bốn thế kỷ nhưng khi quay lại lần thứ hai, thứ ba, rất nhiều người đã nhận ra: trải nghiệm đáng giá nhất cho những ai bận rộn chính là đặc quyền được “sống chậm”.
Đến Đường Lâm, chẳng có lý do gì khiến du khách phải vội vã. Cổng làng dưới tán đa cổ thụ che bóng mở ra một thế giới bình dị mà thân quen, nơi dân làng ngày ngày đi làm, ra đồng. Mấy quán nước đơn sơ kê dọc theo đường làng, bày bán những đồ ăn dân dã, từ nước vối, kẹo lạc, chè lam, trở thành nơi nghỉ chân lý tưởng. Tại đây, những người dân địa phương sẽ trở thành những “thuyết minh viên” mộc mạc, giới thiệu về quê hương mình.
Đó là vẻ đẹp của những công trình cổ làm bằng đá ong, từ nhà ở, tường vách hay giếng nước, được xem như trầm tích của thời gian. Men theo lối đi trong làng, du khách sẽ thấy sự tinh tế, tỉ mỉ của thế hệ trước từ những con đường lát gạch nghiêng, cánh cổng gỗ cổ kính được điểm thêm bằng những giàn hoa thiên lý, hoa dây đầy sức sống. Đến mùa thu hoạch, đường làng thơm mùi rơm, những khoảng sân rộng nhuộm sắc vàng của thóc, ngô…
Không chỉ “mắt thấy, tai nghe”, du khách đến Đường Lâm đã có thêm những cơ hội được trải nghiệm cuộc sống xứ Đoài một cách chân thật, từ việc sống trong nhà cổ, cùng làm ruộng, hái sen đến học cách làm tương, làm kẹo lạc. Không thể thiếu trong số những điều cần bỏ túi khi tới Đường Lâm là thưởng thức những món ăn nông thôn dân dã như gà mía, bánh tẻ, canh rau muống chấm tương, cá kho, tôm đồng, ăn một lần mà nhớ mãi.
Để trọn vẹn hành trình về làng, mỗi người có thể lựa chọn đạp xe qua rặng duối cổ, dừng lại bên lũy tre xanh ngắm cảnh ao làng, đầm sen, thăm các đền thờ, miếu mạo trong vùng… và tận hưởng không khí trong lành, thư thái của vùng quê yên bình.
Báo Thời Nay (Ấn phẩm của Báo Nhân dân) – nhandan.vn