Sau một năm trầm lắng, những ngày cuối năm 2021, du lịch Điện Biên dần khởi sắc với các đoàn khách du lịch từ thành phố mang tên Bác. Đây là những đoàn khách đầu tiên đến với mảnh đất cực Tây Tổ quốc theo đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh – Điện Biên.
Theo số liệu của Bamboo Airways, từ khi khai trương đường bay trên, chiều bay TP. Hồ Chí Minh – Điện Biên đã đón khoảng 1.000 lượt khách, chiều ngược lại đón trên 800 lượt khách. Đường bay mới không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển (hiện bay hơn 2 giờ đồng hồ) mà còn có mức giá hợp lý, góp phần kích cầu du lịch vùng Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng. Có thể khẳng định điều này, bởi ngay khi có đường bay thẳng, nhiều công ty du lịch lữ hành đã khai thác, phát triển tốt các tour du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên và các tỉnh lân cận. Tiêu biểu có thể kể đến là Công ty Cổ phần Du lịch và Sự kiện FLC, Công ty Cổ phần Du lịch Vietourist…
Công ty Cổ phần Du lịch Vietourist duy trì lượng khách đều đặn với chùm tour hấp dẫn bay thẳng Điện Biên, liên tuyến Sa Pa, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái… Các tour đang được Công ty khai thác thường xuyên và đẩy mạnh quảng bá như: Điện Biên – Sa Pa – ngắm hoa anh đào; đặc sắc Điện Biên (di tích lịch sử – cực Tây A Pa Chải – Mường Lay – Mường Phăng – chợ phiên Tủa Chùa); du lịch Tây Bắc săn mây, ngắm tuyết (Điện Biên – Sa Pa – Y Tý – Ngải Thầu); du lịch Tây Bắc cùng trời cuối đất (Điện Biên – Mường Lay – Mường Nhé – A Pa Chải – Mường Tè – Thu Lũm)…
Là địa điểm được Vietourist liên kết đón khách, Homestay Phương Đức, bản văn hóa du lịch Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ cũng thêm tấp nập, rộn ràng. Anh Lò Văn Đức, chủ Homestay Phương Đức chia sẻ: “Trong năm 2021 gần như không có đoàn khách nào dừng chân tại đây. Chỉ đến cuối năm khi có các đường bay mới thì khách tăng rõ rệt. Từ đầu tháng 12 đến nay, chúng tôi đã đón hơn 10 đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh, mỗi đoàn 20 – 30 khách. Do lịch trình nên các đoàn đều không lưu trú mà sau khi đi thăm quan đảo hoa, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thì đến giao lưu ẩm thực cùng chúng tôi. Để tạo thêm ấn tượng tốt đẹp cho khách phương xa, cũng không thể thiếu các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống, tiếng trống, tiếng chũm chọe rộn ràng đón khách. Qua phản hồi, các du khách dù khác biệt vùng miền, khẩu vị, văn hóa nhưng đều thích các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, các món ăn địa phương mà homestay chuẩn bị, và nhiệt tình tham gia nhảy sạp, múa xòe cùng đồng bào bản địa”. Để chuẩn bị cho một năm du lịch mới, Homestay Phương Đức đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng cho 35 – 40 khách lưu trú, ăn uống. Thêm các hộ trong bản cũng đã và đang được tập huấn làm du lịch cộng đồng, mở homestay.
Thị trường khách du lịch ngày càng mở rộng và giàu tiềm năng cũng đặt ra yêu cầu các cơ sở không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra những chương trình hấp dẫn, hợp lý. Ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện các đoàn khách du lịch TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên thường đến tham quan tìm hiểu các điểm di tích, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hồ Pá Khoang – đảo hoa anh đào, Tủa Chùa, A Pa Chải… Để đón dòng khách, giữa doanh nghiệp đưa khách đến và các doanh nghiệp, đơn vị tại địa phương đã có sự phối hợp. Nhiều đơn vị vận chuyển, lưu trú, nhà hàng đã có những chính sách ưu đãi, giảm giá, tạo combo thu hút hay sản phẩm du lịch, trải nghiệm mới, như Khách sạn Mường Thanh, Khu Du lịch sinh thái Him Lam, Tam Tam Travel… Các địa phương như Tủa Chùa cũng có động thái để thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là kế hoạch nâng cấp giao thông kết nối các điểm đến trên địa bàn. Nhưng để thu hút ngày càng đông du khách thì vẫn còn cần nhiều việc phải làm.
Do tình hình dịch bệnh khó tổ chức được các sự kiện quảng bá ngoại tỉnh, vì vậy Điện Biên vừa chú trọng cùng các tỉnh thiết lập hành lang du lịch an toàn, vừa đẩy mạnh phối hợp số hóa điểm đến du lịch. Đồng thời tích cực lên kế hoạch tham gia triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh năm 2022. Đặc biệt là hợp tác khảo sát, xây dựng, kết nối và phát triển các tour du lịch mới; kết hợp xây dựng phóng sự quảng bá du lịch. Trong kế hoạch, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh dự kiến phối hợp mời giảng viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia trên địa bàn, hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc mở rộng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch địa phương bằng nhiều hình thức. Trong đó có nội dung tập huấn cho người làm công tác phục vụ, đón khách, đầu bếp là người dân địa phương để có sự đón tiếp phù hợp với thị trường khách miền Nam.
Mới đây, trên mạng xã hội, một facebooker có tên Dang Thuy Duong chia sẻ về chuyến đi Điện Biên đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác – một chuyến đi “ngập tràn niềm vui, bụng lúc nào cũng căng và những đôi mắt thì no nê cảnh đẹp”. Từ TP. Hồ Chí Minh, cô cùng bạn bè lần đầu tiên bay thẳng đến Điện Biên, dành 5 ngày 4 đêm khám phá mảnh đất xa xôi, lạ lẫm này, từ các điểm di tích vang danh lịch sử, TX. Mường Lay xinh đẹp đến chợ địa phương hay đơn giản là 1 ngọn đồi ngắm hoàng hôn, 1 ngôi nhà sàn đặc trưng dân tộc Thái… Những câu chuyện, ấn tượng của cô với các điểm đến, trải nghiệm, ẩm thực, con người Điện Biên dù rất chân thực, không hoa mĩ nhưng lại có sức hút với một bộ phận cộng đồng đam mê du lịch. Từ những câu chuyện nhỏ, càng thêm khẳng định, mảnh đất Điện Biên là điểm đến mới hấp dẫn, mới lạ, giàu tiềm năng, đặc biệt với thị trường khách mới đang được đẩy mạnh khai thác – khách du lịch miền Nam./.
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ