”Mùa vàng” du lịch Đông – Tây Bắc

Bắt đầu từ cuối tháng 9 cho đến tháng 3 của năm sau là thời điểm thiên nhiên vùng núi Đông – Tây Bắc bước vào độ đẹp nhất. Trên các triền đồi, dốc núi, rừng lau trổ bông trắng tinh khôi làm ngơ ngẩn nhiều du khách. Bên cạnh đó, những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng núi chín vàng óng ả, tạo nên cảnh sắc vô cùng quyến rũ. Với khách du lịch, đây chính lúc nên “xách ba lô” lên đường khám phá “mùa vàng” của vùng núi phía Bắc. Năm nay, với diễn biến dịch còn phức tạp, hoạt động du lịch vẫn đang được lên phương án để dần khởi động trở lại.

Thời điểm từ cuối tháng 10 cho đến tháng 11, du khách nên đến huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) để khám phá rừng lau tuyệt đẹp.

Điều thú vị, ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với những sườn núi “nhuộm” màu trắng tinh khôi của lau rừng, du khách còn được chinh phục hơn 2.000 bậc thang ở đường tuần tra biên giới Việt – Trung, mà dân du lịch gọi là “sống lưng khủng long”. Trên đường chinh phục “sống lưng khủng long”, du khách sẽ lần lượt đến các cột mốc: 1300, 1302, 1305 và 1327… Đây là sự trải nghiệm “có một không hai” tại vùng Đông Bắc.

Vào khoảng thời gian cuối tháng 9 và tháng 10, những cánh đồng lúa chín tại Mù Cang Chải (Lào Cai) và Hoàng Su Phì (Hà Giang) cũng là những địa điểm du lịch đang “vẫy gọi” du khách. Đến Mù Cang Chải, du khách sẽ khó có thể quên cảm giác được chiêm ngưỡng và hít hà mùi lúa chín tại đồi “mâm xôi” ở xã La Pán Tẩn. Đồi này cách trung tâm huyện Mù Cang Chải tầm 8km, có độ cao tự nhiên 1.000-1.600m so với mặt nước biển với hình dáng tròn đều, nhô cao như mâm xôi đầy.

Cũng vào thời gian này, những thửa ruộng bậc thang đã được công nhận là “Danh thắng quốc gia” tại Hoàng Su Phì đang vào độ đẹp nhất. Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên thuộc tỉnh Hà Giang. Hằng năm, đây là điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách đến trải nghiệm và “săn” những bức ảnh đẹp.

Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã có chính sách cho phép đón du khách ngoại tỉnh. Một số đơn vị lữ hành như Vietravel đã có kế hoạch phối hợp với địa phương này triển khai sản phẩm “Tinh hoa cực Bắc – Sắc màu Hà Giang” với 5 ngày 4 đêm trải nghiệm đường tour thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Hà Giang – Vị Xuyên – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Lũng Cú – Mã Pì Lèng. Hội lữ hành Hà Nội cũng đang xây dựng sản phẩm du lịch caravan đưa khách từ Hà Nội khám phá Hà Giang bằng xe ô tô tự lái và xe mô tô.

Sang tháng 11 và 12, khi thời tiết chuyển lạnh, vẻ đẹp thiên nhiên các tỉnh vùng Đông – Tây Bắc như “nàng công chúa ngủ trong rừng” bừng tỉnh sau giấc ngủ dài với sự nở rộ của nhiều loại hoa đặc trưng như: Tam giác mạch, hoa cải… Thiên đường “hoa tam giác mạch” hấp dẫn du khách nhất chính là Hà Giang. Nơi đây, vào thời điểm trước dịch, vẫn tổ chức “Lễ hội hoa tam giác mạch” vào tháng 10 và 11 hằng năm.

Cuối tháng 12, mùa đông ở vùng Đông – Tây Bắc thường có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với ở dưới xuôi, có lúc trời lạnh dưới 0 độ C. Nhiều năm trở lại đây, du lịch ngắm tuyết cũng trở thành “trào lưu” của nhiều du khách. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều đơn vị lữ hành, khi tham gia hành trình du lịch mạo hiểm này, du khách nên chuẩn bị thật kỹ lưỡng các đồ dùng giữ ấm, tìm hiểu kỹ cung đường và chỉ dẫn của địa phương. Một số nơi, du khách có thể trải nghiệm du lịch ngắm tuyết như: Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)…

Hoa mai anh đào tại Sa Pa

Từ tháng 1 đến tháng 3, mùa xuân ở vùng núi Đông – Tây Bắc mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho du khách với muôn vàn loài hoa khoe sắc mà không nơi nào có được như: Mai anh đào, mận, đào, mơ, lê, hoa ban, hoa đỗ quyên… 

Nguồn: Báo Hànộimới