Cách thành phố Yên Bái hơn 80km theo quốc lộ 32 về phía Tây là thị xã Nghĩa Lộ nhỏ nhắn vẫn còn nguyên vẹn nét văn hóa của mảnh đất Tây Bắc. Nghĩa Lộ là nơi chung sống của 12 dân tộc anh em, chủ yếu là người Thái, người Kinh còn lại là các dân tộc Tày, Mường, Nùng… mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hóa độc đáo như hòa quyện với nhau tạo thành sắc thái văn hóa Mường Lò, nổi bật hơn cả là bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái.
Nói đến Mường Lò là nói đến “gạo trắng, nước trong” nói đến miền đất mà “ai đi đến đó lòng không muốn về”. Vùng đất thiên thời – địa lợi – nhân hòa ấy là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng nên một nền văn hóa độc đáo. Đó là lễ “xên bản xên mường” – tức “cúng bản cúng mường”, nhớ đến công đức của các bậc xây dựng bản mường, đã được tôn làm thành hoàng và cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc, hội “lồng tồng” – tức “lễ cúng rừng”, thể hiện ước mong một sự hòa đồng thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Với tết “xíp xí” – tức là tết 14/7 âm lịch. Theo lịch Thái cổ, 14/1 âm lịch là tết rằm tháng Giêng, bà con ăn sớm một ngày vào hôm trăng đang độ hoàn thiện. Đây là tết lớn thứ hai sau tết Nguyên đán, không chỉ thể hiện một ước mong cuộc sống hạnh phúc, mà còn ẩn chứa quan niệm về vũ trụ, về âm dương ngũ hành và tiếp đó là lễ hội hái hoa Ban, sinh hoạt “hạn khuống” – nơi trai gái tìm hiểu giao duyên, ngoài các lễ hội trên còn có các phong tục cưới xin, ma chay, cầu hôn, cầu phúc, mừng nhà mới…
Những chiếc khăn mềm mại đầy mầu sắc cùng những điệu xòe nồng say, Mường Lò cái nôi của sáu điệu xòe cổ, khởi nguồn của hơn 30 điệu xòe nổi niếng, du khách sẽ được hòa mình cùng những điệu xòe, trong tiếng trống, tiếng chiêng trầm hùng rỗn rã, tiếng khèn bay bổng thiết tha, những bước xòe làm cho con người gần gũi chan hòa với nhau hơn, tự tin hơn trong hành trình thiên – địa – nhân với bao ý nghĩa sâu xa về cuộc đời, về đất trời và tình người sâu nặng, để rồi mỗi người thấm thía hơn câu ca từ ngàn xưa của cha ông truyền lại ;”không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Dù một ngày, một tuần hay một tháng khi đến thăm Nghĩa Lộ mỗi người đều giữ lại cho mình những nét bâng khuâng. Đắm chìm trong men say, lời ca mời gọi, mộc mạc, nguyên sơ mà say đắm lòng người.
Ngoài những lễ hội văn hóa truyền thống du khách đên đây sẽ có dịp tới thăm các khu di tích lịch sử như: khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã được bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cả nước.
Trong hành trình của mình du khách sẽ ghé thăm chợ Mường Lò. Chợ có vị trí là trung tâm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của khu vực, với các cửa hàng, cửa hiệu chợ đã hình thành trên một hệ thống thương mại khá sôi động ở địa phương. Từ lâu miền đất này đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa tương đối sầm uất. Chợ Mường Lò đã được quy hoạch, đầu tư, xây dựng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của tỉnh Yên Bái. Hàng hóa ở đây khá phong phú đa dạng. Bên cạnh những sản phẩm công nghiệp hiện đại còn có rất nhiều sản phẩm nông sản, sản phẩm thủ công, trang phục dân tộc mang sắc màu truyền thống phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và trao đổi thương maị. Du khách đến đây có thể mua được những món quà lưu niệm hay những đặc sản Mường Lò hết sức có ý nghĩa đem về tặng cho gia đình và bạn bè.
Mường Lò mảnh đất của lòng mến khách và những gía trị văn hóa truyền thống đang chờ đón du khách gần xa đến thưởng ngoạn, trải nghiệm và khám phá.