Vượt qua cung đường quanh co, uốn lượn ôm trọn lấy những sườn núi, hít một hơi căng đầy lồng ngực để tận hưởng không khí trong lành, phóng tầm mắt ngắm nhìn những đồi hoa rực rỡ, những đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi; hay ngồi bên bếp lửa bập bùng thưởng thức chén trà Shan tuyết thơm hương… Những trải nghiệm tuyệt vời và khó quên khi đến với Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Nằm ở độ cao gần 1.400 mét so với mặt nước biển, Suối Giàng có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn khu vực huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ từ 8 – 10 độ C. Một ngày ở Suối Giàng, ta có thể cảm nhận được đủ bốn mùa trong năm. Ban đêm, trời se lạnh; sáng sớm mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng; buổi trưa trời trong xanh, lộng gió và buổi chiều – nắng vàng trải mượt các sườn đồi. Bởi thế, khí hậu ở Suối Giàng có thể sánh với Sa Pa, Đà Lạt. Không chỉ có khí hậu mát mẻ, Suối Giàng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái nơi đây.
Đến Suối Giàng, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những đồi chè hàng trăm năm tuổi, hương thơm nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Có nhà khoa học đã phải thốt lên rằng: “Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm và to như cây chè ở Suối Giàng”.
Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng sống ở độ cao 1.400 mét so với mặt biển, cây có tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì, trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo. Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Những búp chè săn chắc được phủ một lớp áo trắng mờ nên được gọi là chè tuyết.
Chè Shan tuyết Suối Giàng rất độc đáo, trong bát nước chè xanh hội tụ đủ vị ngon hàng đầu của các loại chè đẳng cấp trên thế giới. Du khách đến đây không chỉ “phiêu” dưới tán chè cổ thụ mà còn được trải nghiệm hoạt động hái chè, sao chè, thưởng trà. “Được vào thăm, tận mắt thấy những cây chè trăm năm tuổi, được trèo lên cây tự tay hái những búp chè tươi một tôm hai lá, nhấm nháp vị chát rồi tận hưởng dư vị ngọt của chè, thật không có gì thú vị bằng” – chị Thu Thủy đến từ thành phố Yên Bái chia sẻ.
Lên với Suối Giàng, du khách có thể tận hưởng dịch vụ ăn, nghỉ cao cấp ngay sát những nương chè cổ thụ. Vừa qua, Hợp tác xã Hệ sinh thái Du lịch Suối Giàng mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng Không gian văn hóa Suối Giàng.
Từ không gian văn hóa này, du khách được phóng tầm mắt ngắm nhìn những mái nhà trình tường của người Mông ẩn hiện giữa mây núi; được tận hưởng không gian nghỉ ngơi yên tĩnh giữa nương chè cổ thụ xanh bát ngát; được thưởng thức những món ăn đặc sản dân tộc, trong đó có những món ăn lạ hòa quyện trong hương vị của chè cổ như: thịt cuốn lá chè nướng, lá chè non ăn sống kèm các loại rau thơm; được thưởng trà qua một quy trình pha rất cầu kỳ do chính những nghệ nhân đã kinh qua các lớp đào tạo về nghệ thuật pha trà thực hiện.
Những năm gần đây, Suối Giàng có sự đầu tư rất mạnh mẽ và quy mô nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với các điểm du lịch cộng đồng và kinh doanh dịch vụ, hướng tới các dịch vụ du lịch xanh, bản sắc.
Cùng với các hoạt động du lịch trải nghiệm, thưởng trà, khám phá văn hóa bản địa, khám phá hang động, hiện nay ngoài Không gian văn hóa trà tại xã Suối Giàng, đồng bào Mông Suối Giàng đã xây dựng được 2 khu du lịch gồm: hang động Cốc Tình và Thiên Cung, cùng 7 homestay phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của hàng trăm du khách, hứa hẹn một điểm đến thú vị và hấp dẫn./.
Nguồn: Báo Yên Bái