Trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên du lịch tại Thái Nguyên đã được quan tâm bảo vệ và phát huy, mang lại cho du lịch Thái Nguyên diện mạo mới để hấp dẫn du khách.
Với vị trí tiếp giáp thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang; tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng cùng truyền thống văn hóa đặc sắc và hạ tầng giao thông thuận lợi.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch tại tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn, lượng khách tại các điểm tham quan, cơ sở lưu trú cùng doanh thu ở mức thấp. 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách đến Thái Nguyên là 619.117 lượt (47,6% kế hoạch năm 2021), doanh thu du lịch là 70,779 tỉ đồng (đạt 41,6% kế hoạch năm 2021).
Trong bối cảnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên triển khai hàng loạt giải pháp để phục hồi ngành du lịch. Trong đó, nhóm giải pháp phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường gồm: Triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau; xây dựng tour du lịch xanh, điểm đến du lịch an toàn thu hút du khách.
Theo bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, du khách đến Thái Nguyên sẽ được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, gồm các loại hình như du lịch cộng đồng, nông thôn, tìm hiểu văn hóa – lịch sử và sinh thái nghỉ dưỡng.
Về sản phẩm du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà, hiện nay tại Thái Nguyên có nhiều điểm du lịch độc đáo tại vùng chè đặc sản Tân Cương, khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên. Một số nơi phát triển dịch vụ homestay được nhiều du khách trải nghiệm và đánh giá cao như: Nam My Van homestay, Quỳnh Trang homestay (TP. Thái Nguyên), Vĩnh Lộc homestay (thị xã Phổ Yên), La Bằng homestay, Cửa Tử homestay (huyện Đại Từ)…
Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn cũng là thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên, với Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích 27/7; Khu di tích tưởng niệm 60 liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái… Riêng sản phẩm “Về thủ đô gió ngàn – Chiến khu Việt Bắc” với các trải nghiệm văn hóa lịch sử kết hợp du lịch học đường đang được Thái Nguyên xây dựng và phát triển đồng bộ.
Tỉnh Thái Nguyên cũng thúc đẩy loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tại Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đã có các mô hình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm phù hợp với nhiều đối tượng khách. Bên cạnh đó, một số điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng khác đang được đầu tư, dự báo sẽ thu hút đông đảo du khách trong thời gian tới như hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà; khu vực sườn Đông Tam Đảo với các điểm nổi bật như Khe Lánh – Khe Đù (thị xã Phổ Yên), hồ Suối Lạnh, hồ Vai Miếu, hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công), suối Kẹm, thác Cửa Tử (huyện Đại Từ)…
Bên cạnh những loại hình đã triển khai, Thái Nguyên đang nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ, bổ sung sản phẩm du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm tại một số điểm đến như hồ Núi Cốc, khu vực Đồng Hỷ – Võ Nhai, hang Suối Mỏ Gà, chùa Hang… Đầu năm 2021, đoàn chuyên gia thám hiểm của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã tổ chức khảo sát, thực hiện thám hiểm, xác lập bản đồ, số liệu, hình ảnh tư liệu tại Thái Nguyên. Ngoài ra, Thái Nguyên đã kêu gọi đầu tư xây dựng một số sân golf nhằm bổ sung trải nghiệm và dịch vụ chất lượng cao; xây dựng các trung tâm, tổ hợp thể thao phục vụ tổ chức giải thể thao lớn như golf, marathon, leo núi… nhằm thu hút khách du lịch./.
Nguồn: VOV.VN