Đến nay, Lào Cai có 37 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 02 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài giá trị về mặt tinh thần, di sản văn hóa phi vật thể còn có lợi ích rất lớn về mặt kinh tế. Để biến di sản văn hóa thành tài sản, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân thì việc gắn di sản với đời sống cộng đồng là giải pháp rất quan trọng.
Nhà hình nấm là một trong những kiến trúc độc đáo của đồng bào Hà Nhì ở vùng cao Y Tý. Nhà được làm bằng đất, là nơi sinh sống của các gia đình. Đặc biệt, nó có thể thích ứng với khí hậu, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Chính sự độc đáo này đã thu hút khách du lịch khi đến với Y Tý. Nắm bắt điều này, Anh Ly Xá Suy là một người Hà Nhì đã đầu tư xây dựng nhà trình tường để đón du khách. “Du khách khi đến với Y Tý họ thấy nhà trình tường rất độc đáo, họ thích chụp ảnh làm lưu niệm. Chính vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng kinh doanh bằng chính ngôi nhà của mình để mọi người được khám phá nhà trình tường”, anh Ly Xá Suy, chủ Homestay Y Tý Clouds cho biết thêm.
Anh Nguyễn Mạnh Trường, khách du lịch Hà Nội chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đi Y Tý, khi đến đây tôi luôn chọn một ngôi nhà trình tường để ở. Tôi như được đắm mình trong những nét văn hóa của đồng bào nơi đây”.
Choản Thèn là một trong những thôn cổ, là điểm du lịch của xã Y Tý. Nơi đây vẫn giữ được không gian văn hóa khá nguyên bản của người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường truyền thống, được bao quanh bởi quần thể ruộng bậc thang tuyệt đẹp, với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hà Nhì. Theo các chuyên gia, để biến di sản văn hóa thành tài sản, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân thì việc gắn di sản với đời sống cộng đồng là giải pháp rất quan trọng.
PGS, TS Trần Hữu Sơn, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: “Chúng ta muốn bảo tồn được văn hóa thì không nên để những giá trị văn hóa đó khô cứng lại, chỉ đưa vào bảo tàng, chỉ sưu tầm hay viết vài cuốn sách mà chúng ta phải bảo tồn trong không gian sống. Vì vậy, bảo tồn phải gắn với du lịch, những điểm nào bảo tồn không gắn với du lịch là thất bại. Bảo tồn phải có lợi ích; gắn với lợi ích của người dân mới bảo tồn được”.
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang là xu hướng trải nghiệm mới thu hút du khách trong và ngoài nước. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số có một kho tàng văn hóa đa dạng và là nguồn tài nguyên để các địa phương khai thác, biến thành các sản phẩm du lịch có giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn