Tết Trung thu xưa ở Hà Nội được gợi lại trong loạt ảnh quý về những cửa hiệu bán đồ chơi trung thu những năm 1920-1940 của thế kỷ trước.
Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Chỉ biết rằng Tết Trung thu đã có từ rất lâu đời, cách đây ít nhất 2000 năm và luôn là dịp lễ lớn được trẻ con người lớn háo hức mong chờ từ nhiều tháng trước đó. Vào những năm đầu thế kỷ 20, ở Hà Nội, ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, trẻ con đã được bố mẹ đưa lên Hàng Gai, Hàng Mã ngắm và mua đồ chơi. Đây là hai phố bán đồ chơi truyền thống phong phú và lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ.
Đồ chơi trung thu được ưa chuộng nhất thời xưa là đèn ông sao được làm thủ công và rất đơn sơ, chưa hiện đại như bây giờ.
Đèn làm bằng nan tre lợp giấy bóng kính, có hình các con vật mà nhiều nhất là thỏ và cá. Ngoài ra, còn các loại đèn lồng xếp bằng các loại giấy màu và cầu kỳ, nhưng hấp dẫn nhất là đèn kéo quân với rất nhiều tích truyện được thể hiện bằng những bóng hình người và vật xoay tròn nhờ sức nóng của các ngọn nến, tạo ra những luồng khí đẩy cái vòng quay tròn theo trục đèn.
Ngoài ra còn có đồ chơi làm bằng sắt tây cũng khiến lũ trẻ háo hức và đòi bố mẹ mua bằng được. Ngoài các phố bán hàng tập trung thì các bà hàng xén ở các ngõ, phố nhỏ mua đầu lân, sư tử, đèn ông sao, đèn cũ hay mặt nạ chú Tễu về bán lẻ bày chung với pháo và các hàng hóa khác.
Trung Thu năm nay do dịch Covid nên Hàng Mã không còn sự nhộn nhịp, hay những hàng bán đồ chơi đầy màu sắc. Tranh thủ thời gian chúng ta cùng lắng đọng, ngắm nhìn lại Hàng Mã, Hàng Gai của những năm đầu thế kỉ XX nhé.
Theo Thoidai.com