An Giang: Quán cháo bò bún tươi mỗi ngày chỉ bán 4 tiếng

Tô cháo bò ở quán Thủy Đen nghi ngút khói, lòng bò nóng và thịt tái chín ửng hồng làm thực khách phải đến từ 6h để thưởng thức.

Gần cầu Cây Me nối liền xã Châu Lăng với thị trấn Tri Tôn có vài quán cháo bò, nhưng lâu năm nhất có quán Thủy Đen, bán đến nay đã 3 đời. Tên quán dân dã, miệt vườn được đặt theo tên của chủ quán là cô Thủy.

Ven lộ, quán cháo dựng biển hiệu cho khách dễ tìm, bước vào trong là bàn đựng thức ăn của quán, bàn kê thấp, bày biện mâm lòng bò đã cắt nhỏ, nhìn sơ đủ món như: thú linh, lá sách, gan, khăn lông, phèo, vú bò, óc, tủy, thịt bò tươi cắt mỏng… Trên bàn còn có rau giá, bún, bánh mì, nước chấm… Bắt mắt nhất phải kể đến nồi cháo nghi ngút khói có màu nâu nhạt, phía trên nổi mỡ bò và phủ đầy huyết cắt miếng nhỏ, lòng bò chưa dùng tới cũng được để trong nồi cháo giữ nóng.

Nồi cháo nóng đầy ắp phục vụ thực khách từ sáng sớm. Ảnh: Quang Thiện
Nồi cháo nóng đầy ắp phục vụ thực khách từ sáng sớm.

Mỗi khi khách gọi món, chủ quán là cô Thủy nhanh tay lấy tô đựng, thêm giá sống rồi cho lòng bò vào tô, thịt bò tươi phủ lên đầy đặn, vá cháo nóng làm miếng thịt tái chín hồng, thêm nhúm ngò gai cắt nhỏ rồi mang ra bàn cho khách.

Thực khách ăn cháo bò sẽ được phục vụ thêm đĩa rau ôm, húng quế, ngò gai và không thể thiếu lá chúc cắt nhỏ để tăng thêm mùi thơm, bên cạnh là chén nước mắm gừng dùng để chấm lòng bò. Món cháo càng ngon nếu vắt thêm nước trái chúc có vị chua thanh và mùi nồng lan tỏa. Trái chúc ở An Giang như linh hồn của món ăn này, giống chanh nhưng vỏ dày, xù xì hơn, có mùi thơm lâu, thanh mát.

Lá chúc và trái chúc được dùng nhiều trong chế biến món ăn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Quỳnh Trần - Quang Thiện
Lá chúc và trái chúc được dùng nhiều trong chế biến món ăn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Điều khiến du khách ngạc nhiên khi thưởng thức cháo bò là có thể ăn cháo kèm với đĩa bún tươi, bánh mì. Món cháo nơi đây nấu lỏng, thực khách đa phần là người lao động chân tay, nếu chỉ ăn cháo thì sẽ mau đói, cho thêm miếng bún, bánh mì để có thêm tinh bột, một sự kết hợp tưởng chừng như vô lý nhưng lại rất thuyết phục, lại không làm giảm đi cái ngon của món cháo bò.

Một số quán ăn người Hoa ở Sài Gòn cũng bán cháo lòng bò, nhưng tuyệt nhiên không giống An Giang, cháo và lòng bò được nấu riêng, lòng bò chỉ dùng phần lá sách, bao tử nấu chín, xắt mỏng để riêng bên ngoài, khi khách gọi thì chủ mới làm nóng. Thay vì ăn cùng giá và rau thơm, cháo lòng bò người Hoa chỉ cho hành lá xắt nhỏ, tiêu xay và không thể thiếu gừng.

Quán chuẩn bị sẵn bún tươi để phục vụ khách dùng thêm cho một sáng chắc bụng. Ảnh: Quang Thiện
Quán chuẩn bị sẵn bún tươi để phục vụ khách dùng thêm cho một sáng chắc bụng.

Thực khách Hoàng Bá (TP HCM) chia sẻ mỗi lần có dịp về Tri Tôn anh đều ghé ăn cháo bò ở quán Thủy Đen, cháo ngon, ngọt thanh, lòng bò giòn, không có mùi hôi.

Quán bán buổi sáng, từ 6 giờ đến khoảng 10 giờ mỗi ngày. Khách có thể đến sớm để được chọn phần lòng bò mình muốn và dặn chủ quán làm tô cháo lỏng, đặc tùy thích. Tô bình thường có giá 30.000 đồng và tô đặc biệt có tủy, óc giá 35.000 đồng, khách gọi thêm bún tươi sẽ tính thêm tiền. Quán nằm cạnh đường lớn, không có bãi đỗ xe khách, chỉ có chỗ cho ôtô nhỏ và xe gắn máy.

Cháo bò từ lâu đã là món ăn nổi tiếng ở An Giang. Bò ở vùng Bảy Núi được nuôi vỗ cẩn thận nên có thịt thơm, mềm. Lòng bò đem đi nấu cháo ăn kèm bún tươi cũng là thói quen của người dân nơi đây, cách ăn này dần được khách thập phương biết đến và muốn thưởng thức mỗi khi có dịp về Tri Tôn.

Theo VNE