Bánh dày Quán Gánh đặc trưng với độ dẻo, thơm, có hai loại nhân mặn và ngọt, chỉ bảo quản được trong ngày.
Trên quốc lộ 1A nối Hà Nội với các tỉnh phía nam, tại km số 16, những gian hàng đề biển “Bánh dày Quán Gánh” xuất hiện nhiều. Từ lâu, món bánh đặc sản này đã trở thành lựa chọn quen thuộc của các tài xế mỗi khi đi qua đây, hoặc của người Hà Nội mỗi dịp tổ chức lễ lộc, cưới hỏi. Làng nghề của loại bánh này là làng Thượng Đình, có phố Quán Gánh, thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín
Bánh dày Quán Gánh có vỏ làm từ gạo nếp cái hoa vàng độ dẻo cao, mùi thơm. Trước khi làm bánh, gạo được sàng lọc rất kỹ, hạt gạo đều nhau, không lẫn sạn, tẻ. Từ khoảng 3-4 h mỗi ngày, người nghệ nhân làm bánh đã phải dậy đồ xôi, vo gạo, đậu sạch sẽ để cho vào máy giã, kịp làm ra mẻ bánh để bán trong ngày. Khi xôi gần chín, người làm vẩy thêm ít nước ấm để xôi chín đều, phả mùi thơm nức. Sau đó, xôi được đem đổ ra cối và dùng máy giã hoặc giã thủ công thành một khối dẻo quánh, trắng muốt. Người làm bánh phải dùng tay để nặn. Điều thú vị của chiếc bánh dày Quán Gánh là không tròn trịa mà hơi dẹt. Ai mua lần đầu không biết sẽ tưởng một gói bánh chỉ có một chiếc bánh lớn, song 6 chiếc bánh nhỏ được xếp cạnh nhau, gói vào lá dong rồi buộc lạt. “Với người dân quê, 6 là con số phù hợp cho một gói bánh, do theo truyền thống, một mâm cỗ thường có 6 người, nghệ nhân làm bánh Nguyễn Thị Hiền, 54 tuổi, chia sẻ.
Chiếc bánh trông đơn giản, dân dã nhưng để làm ngon thì cần độ tỉ mỉ, cẩn thận và cả sạch sẽ của người làm. Đặc biệt, loại bánh này hoàn toàn không có phụ gia. Nếu không cẩn thận và làm không sạch sẽ lộ ngay do vỏ bánh trắng muốt. Ngoài ra, bánh dày Quán Gánh chỉ bảo quản được trong ngày, từ 5h đến 22h. Nếu để tủ lạnh bảo quản qua đêm, bánh có thể không hỏng nhưng vỏ sẽ bị khô, lại gạo, ăn không còn ngon.
Không giống như bánh dày thông thường gồm hai vỏ bánh nếp kẹp với một miếng giò, chả ở giữa, bánh dày Quán Gánh có nhân bên trong gồm nhân ngọt hoặc mặn. Nhân ngọt là đỗ xanh nấu chín, xào đường màu cánh kiến, thường có thêm cả vừng, dừa. Nhân mặn cũng được làm từ đỗ xanh, song có thêm sợi cùi dừa, hành, thịt ba chỉ có hương cà cuống. Vị dẻo, ngọt của vỏ nếp cái hoa vàng, ăn kèm với vị béo của nhân mặn, kết hợp với nhau dường như đượm bùi hơn, để lại ấn tượng đáng nhớ cho khách có cơ hội ăn loại bánh dày độc đáo này.
Từ một món bánh hay được bán tại các quán nước trong làng, nay bánh dày Quán Gánh đã trở thành một đặc sản đúng nghĩa, được nhiều khách thập phương biết đến. Hiện tại, ước tính có khoảng 20 hộ làm nghề tại làng theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền. Để dễ nhận diện một chiếc bánh dày Quán Gánh đúng điệu, người dân làng thường thêm một con tem màu đỏ có ghi chữ “Vạn sự như ý” kẹp vào lạt. Ước tính, mỗi hộ bán được khoảng 60 gói/ngày, dịp lễ, Tết sẽ bán chạy hơn song tình hình dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng doanh thu đáng kể. Một phần bánh dày gồm 6 chiếc thường có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng.
Theo VNE